settings icon
share icon
Câu hỏi

Đức Chúa Trời có mong đợi tất cả chúng ta phải có con không?

Trả lời


Vấn đề thực sự không phải nằm ở việc liệu Chúa có “mong đợi” chúng ta phải có con cái hay không, vì Ngài là Đấng tể trị và toàn tri, Ngài biết rõ ai sẽ có con và ai sẽ không có con. Câu hỏi thực sự được đặt ra là liệu việc có con có phải là điều bắt buộc đối với mỗi Cơ Đốc nhân hay không và chúng ta có thể sống một cuộc đời trọn lành, vâng phục Đấng Christ khi không có con không.

Kinh Thánh dạy chúng ta biết rằng con cái là ơn phước từ Đức Chúa Trời ban cho. Thi Thiên 127:3-5 chép rằng: “Kìa, con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho; Bông trái của tử cung là phần thưởng. Con cái sinh ra đang tuổi thanh xuân khác nào mũi tên trong tay dũng sĩ. Phước cho người nào để chúng đầy ống tên! Người sẽ không hổ thẹn Khi đối đáp với kẻ thù mình tại cổng thành.” Điều này không có nghĩa là những ai không có con sẽ không có phước hay con cái là ơn phước duy nhất mà Chúa ban cho. Điều này đơn giản dạy rằng con cái được xem như là một phước lành chứ không phải là sự rủa sả hay điều bất tiện nào đó.

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên A-đam và Ê-va, “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất” (Sáng thế ký 1:28). Sau cơn nước lụt, Chúa phán với Nô-ê: “Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội, và làm cho đầy dẫy đất” (Sáng thế kí 9:1). Sinh sản là một phần mệnh lệnh của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, và Ngài chắc chắn “mong đợi” hầu hết mọi người có con. Chúng ta cũng nhìn nhận rằng việc có con là một phần trong giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham. Ngài phán với Áp-ra-ham, “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi-tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng thế ký 12:2-3). Điều này cuối cùng cũng đã được ứng nghiệm qua Chúa Giê-su Christ, Đấng Cứu Thế - Ngài hoàn toàn là Đức Chúa Trời và hoàn toàn là con người, và Ngài được sinh ra trong dòng dõi của Áp-ra-ham.

Trong Cựu Ước, con cái được xem như dấu hiện hiện thân về phước lành của Đức Chúa Trời. Ngay cả như vậy đi chăng nữa, và mặc dầu gần như mọi người thời đó có cảm giác khác nhau, thì vô sinh cũng không phải là dấu hiệu đáng tin cậy cho việc Đức Chúa Trời không hài lòng về người đó. Nhiều cặp vợ chồng trong Kinh Thánh, như là Ên-ca-na và An-ne (cha mẹ của tiên tri Sa-mu-ên, Áp-ra-ham và Sa-ra (cha mẹ của Y-sác), Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bet (cha mẹ của Giăng Báp-tít) là những người nam, người nữ tin kính Chúa nhưng lại hiếm muộn trong nhiều năm.

Trong Tân ước, con cái vẫn chắc chắn được xem như là một điều phước. Chúa Giê-su chào đón con trẻ và dạy cho môn đồ của Ngài rằng trẻ con làm gương mẫu cho nhiều giá trị trong Vương quốc nước Trời. Sứ đồ Phao-lô đưa ra những chỉ dẫn cho cha mẹ và con cái về việc sống tốt đẹp với nhau (Ê-phê-sô 6:1–4). Một trong những yêu cầu đối với giám mục trong hội thánh là, nếu đã lập gia đình có con thì phải quản lý tốt việc gia đình của mình; nếu người ấy không thể chăm sóc gia đình của mình, thì người đó sẽ không thể chăm sóc hội thánh (ITi-mô-thê 3:4–5). Gia đình được Đức Chúa Trời xem trọng là điều không thể hoài nghi. Nhưng Tân Ước tập trung nhiều hơn vào kết quả sanh ra nhiều con thuộc linh hơn là các phước lành thuộc thể. Những người tin Chúa Giê-su trở thành con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12). Quan trọng là Chúa muốn chúng ta mở rộng gia đình lớn của Ngài. Chúng ta phải môn đồ hóa người khác (Ma-thi-ơ 28:19), không chỉ bằng việc sanh con đẻ cái.

Con trẻ luôn và sẽ là một phước lành từ Đức Chúa Trời — bất kể một đứa trẻ, bằng cách nào trở thành một phần trong cuộc đời của một người. Nhưng mặc dù Đức Chúa Trời đã tuyên bố con cái là một phước lành từ Ngài và sinh sản là một phần của nhiệm vụ đối với nhân loại nói chung, nhưng không nơi nào Kinh Thánh nói rằng mọi cặp vợ chồng đều phải có hoặc mong muốn có con. Cần phải nhắc lại rằng, hiếm muộn ở bất ky tuổi nào cũng không phải là dấu hiệu của việc Đức Chúa Trời không hài lòng về người đó. Những cặp đôi không có con không có nghĩa họ ít giá trị hơn hay ít quan trọng hơn những cặp vợ chồng có con. Trong thực tế, có những cặp vợ chồng không con cái giống như những người độc thân có thể tận hiến nhiều năng lực và tập trung vào công việc Nước trời nhiều hơn những cặp có con cái (xem trong I Cô-rinh-tô 7:32). Kết hôn, độc thân, có con, hay không có con, mọi con cái của Đức Chúa Trời là một thành viên quan trọng trong gia đình của Ngài và một phần không thiếu trong thân thể Đấng Christ. Đức Chúa Trời có ý định cụ thể cho từng cá nhân và từng cặp đôi khác nhau. Đối với nhiều người, ý muốn của Ngài là ban con cái cho những cặp vợ chồng đó, cho dù bằng phương cách sanh con hay nhận nuôi. Nhưng một số khác, ý muốn của Ngài dành cho họ là không có con.

Đối với những cặp vợ chồng muốn có con nhưng chưa thể có con vì bất kỳ lý do gì, điều tốt nhất cần làm là trình dâng ước muốn đó cho Chúa trong lời cầu nguyện. Ngài có thể giúp bạn đi qua nỗi đau của hành trình đó và cũng có thể sống trọn vẹn với Ngài trong thời kỳ như vậy. Đối với những người không mong muốn có con, cam kết ước muốn với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện cũng là điều tốt nhất. Ước muốn không có con đôi khi là do Đức Chúa Trời đặt để trong lòng. Nhưng một số trường hợp khác, ước muốn này lại bị thúc đẩy bởi những tổn thương trong quá khứ nỗi sợ hãi, hoặc sự ích kỷ. Khi chúng ta chân thành bày tỏ tấm lòng mình trước Chúa, Ngài có thể giúp chúng ta loại bỏ những điều lộn lạo, mang đến sự chữa lành, và ban cho cho chúng ta những mong ước đẹp ý Ngài.

Thật quá dễ dàng khi biến những khao khát của chúng ta trở thành thần tượng. Ngay cả những mong muốn tốt đẹp, khi chúng ta để nó thay thế Chúa trong đời sống mình thì nó sẽ trở thành thần tượng. Tất cả chúng ta, bất kể hoàn cảnh hay giai đoạn nào trong cuộc sống của mình, hãy tra xét tấm lòng mình thật tốt, chân thành với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện, chăm chỉ về Lời Ngài để tìm kiếm sự khôn ngoan, và phó thác cuộc đời mình cho Ngài. Cuối cùng, chính Đức Chúa Trời là Đấng thỏa mãn tấm lòng của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta chỉ được sống cho vinh hiển của Ngài (Rô-ma 12:1–2; Thi Thiên 37).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Đức Chúa Trời có mong đợi tất cả chúng ta phải có con không?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries