settings icon
share icon
Câu hỏi

Sự mặc khải tiệm tiến có liên quan gì đến sự cứu rỗi?

Trả lời


Thuật ngữ "mặc khải tiệm tiến" nói đến ý niệm và sự dạy dỗ về việc Đức Chúa Trời đã bày tỏ ý muốn và kế hoạch tổng thể của Ngài cho nhân loại trong nhiều khía cạnh khác nhau qua những khoảng thời gian khác nhau, được các nhà thần học gọi là “dispensations” ("thiên định phân kỳ”. Đối với những người tin vào chủ nghĩa thiên định phân kỳ “dispensationalist”), thì sự sắp đặt là phương cách riêng biệt (chẳng hạn như là định đoạt tình trạng của những sự việc) trong việc thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời. Trong khi những người tin vào chủ nghỉa thiên định phân kỳ tranh luận về số lượng của các lần sắp đặt đã xảy ra trong lịch sử, thì tất cả đều tin rằng Đức Chúa Trời chỉ tiết lộ một số khía cạnh của chính Ngài và kế hoạch cứu rỗi của Ngài trong từng mỗi thiên định phân kỳ của Ngài, với mỗi thiên định phân kỳ mới dựa trên cái trước đây.

Mặc dù những người tin vào thiên định phân kỳ tin vào sự mặc khải tiệm tiến, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là không hẳn phải là người tin vào chủ nghĩa thiên định phân kỳ mới tin vào sự mặc khải tiệm tiến. Gần như tất cả các sinh viên học Kinh Thánh đều nhận ra điều thực tế là có một số lẽ thật trong Thánh Kinh đã không được Đức Chúa Trời bày tỏ cách đầy đủ trong những thế hệ trước đây. Ngày nay bất cứ ai muốn đến với Đức Chúa Trời mà lại không mang theo sinh tế hoặc thờ phượng Chúa vào ngày đầu tuần thay vì cuối tuần đều là những người hiểu rằng những sự khác biệt trong tục lệ và sự hiểu biết như thế đã được mặc khải một cách tiệm tiến và thích ứng trong suốt lịch sử.

Ngoài ra, có những vấn đề hệ trọng hơn liên quan đến quan niệm về sự mặc khải tiệm tiến. Một ví dụ là sự khai sinh và thành phần của Hội thánh mà Phao-lô nói đến: “Tôi, Phao-lô, làm tù nhân của Ðức Chúa Jesus Christ vì cớ anh chị em là các dân ngoại. Vì chắc hẳn anh chị em đã nghe về sự quản lý ân sủng của Ðức Chúa Trời đã giao cho tôi liên quan đến anh chị em. Thể nào qua sự mặc khải Ngài đã cho tôi biết huyền nhiệm của Ngài, như tôi vừa viết vắn tắt ở trên. Khi đọc điều ấy, có lẽ anh chị em đã nhận thấy rằng tôi am hiểu huyền nhiệm của Ðấng Christ như thế nào rồi. Trong các thế hệ trước Ngài không mặc khải huyền nhiệm ấy cho nhân loại, như Ðức Thánh Linh đã mặc khải cho các sứ đồ thánh và các tiên tri Ngài ngày nay. Huyền nhiệm đó là nhờ Tin Lành các dân ngoại được trở thành những người cùng thừa kế, cùng làm chi thể của một thân, và cùng được chia sẻ lời hứa trong Ðức Chúa Jesus Christ” (Ê-phê-sô 3:1-6).

Phao-lô tuyên bố cũng gần giống như vậy trong thư Rô-ma: “Chúc tụng Ðấng có quyền làm vững mạnh anh chị em theo Tin Mừng tôi rao giảng, tức sự rao giảng về Ðức Chúa Jesus Christ, theo sự mặc khải về huyền nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, nhưng bây giờ được tỏ ra, và qua bút tích của các vị tiên tri theo lịnh của Ðức Chúa Trời hằng sống, để tất cả các dân ngoại được biết mà tin thờ Chúa và vâng phục Ngài” (Rô-ma 16:25-26).

Một trong những vấn đề đầu tiên mà mọi người bàn đến trong các cuộc thảo luận về sự mặc khải tiệm tiến là nó được áp dụng như thế nào cho sự cứu rỗi. Có phải những người sống trước khi Đấng Christ giáng sinh được cứu bằng cách nào đó khác so với cách những người ngày nay được cứu không? Trong thời Tân Ước, người ta được cho biết là muốn được cứu, họ phải đặt đức tin của mình vào công việc mà Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn tất và tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại (Rô-ma 10:9-10; Công-vụ 16:31). Tuy vậy, Allen Ross là người thông thạo Cựu Ước lại ghi nhận rằng, "Những ai tin vào sự cứu rỗi [trong Cựu Ước] mà có ý thức tin vào sự chết thay của Đức Chúa Jesus Christ, là Con của Đức Chúa Trời, gần như là điều không thể xảy ra.” John Feinberg nói thêm, "Những người sống trong thời Cựu Ước không biết rằng Chúa Jesus là Đấng Mê-si, rằng Chúa Jesus sẽ chết, và sự chết của Ngài sẽ là nền tảng của sự cứu rỗi." Nếu Ross và Feinberg đúng, thì chính xác là Đức Chúa Trời đã bày tỏ điều gì cho những ai đã từng sống trước Đấng Christ, và làm thế nào để các thánh thời Cựu Ước được cứu? Nếu có bất cứ điều gì đã thay đổi từ sự cứu rỗi của Cựu Ước đến sự cứu rỗi của Tân Ước thì điều đó là gì?

Sự Mặc khải Tiệm tiến – Có Hai hay là Một Phương pháp của Sự Cứu rỗi?

Một số người cho rằng những ai giữ vững sự mặc khải tiệm tiến là người tán thành hai phương pháp cứu rỗi khác nhau – cách thứ nhất là đã được thực hiện trước khi Đấng Christ đến lần thứ nhất, còn cách thứ hai là đến sau sự chết và phục sinh của Ngài. Lời tuyên bố đó đã bị L.S. Chafer bác bỏ, ông viết: "Có hai phương thức để con người được cứu rỗi sao? Để trả lời cho câu hỏi này, có thể tuyên bố rằng sự cứu rỗi cho dù của bất kỳ đặc tính riêng biệt nào thì cũng đều luôn luôn là công việc của Đức Chúa Trời thay mặt cho con người chớ không bao giờ là công việc của con người thay mặt cho Đức Chúa Trời… Do đó, chỉ có một phương pháp duy nhất để được cứu ấy là bởi quyền phép của Đức Chúa Trời đã có thể thực hiện được qua sự hi sinh của Đấng Christ."

Nếu điều này là đúng, thì làm thế nào để có thể hoà giải được những mặc khải liên quan đến sự cứu rỗi trong Cựu Ước và Tân Ước? Charles Ryrie đã tóm tắt vấn đề một cách ngắn gọn theo cách này: "Nền tảng của sự cứu rỗi trong mọi thời đại là sự chết của Đấng Christ; điều kiện để được cứu rỗi trong mọi thời đại là đức tin; đối tượng của đức tin trong mọi thời đại là Đức Chúa Trời; nội dung của đức tin thay đổi theo các thời đại khác nhau.” Nói cách khác, bất kỳ một ai dù đã từng sống trong thời gian nào đi nữa, thì cuối cùng sự cứu rỗi của họ cũng lệ thuộc vào công việc của Đấng Christ và đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời, nhưng lượng nhận thức mà con người có liên quan đến những chi tiết cụ thể về kế hoạch của Đức Chúa Trời thì được gia tăng trải qua các thời đại theo như sự mặc khải tiệm tiến của Đức Chúa Trời.

Về các thánh nhân trong Cựu Ước, Norman Geisler đã nói như sau: "Tóm lại, nó chứng tỏ rằng phần lớn, chuẩn mực của những điều kiện cứu rỗi trong Cựu Ước (về niềm tin rõ ràng) là (1) đức tin vào sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời, (2) thừa nhận tội lỗi của con người , (3) chấp nhận ân điển thiết yếu của Đức Chúa Trời, và (4) hiểu rằng có một Đấng Mê-si sẽ hiện đến."

Có bằng chứng nào trong Kinh Thánh xác minh lời tuyên bố của Geisler không? Hãy xem phân đoạn này, bao gồm ba điều kiện đầu tiên, trong Phúc âm của Lu-ca:

“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: ‘Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. ‘Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.’ Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: ‘Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!’ Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lu-ca 18:10-14).

Sự kiện này diễn ra trước sự chết và phục sinh của Đấng Christ, vì thế rõ ràng là nó có liên quan đến một người không biết gì về sứ điệp phúc âm của Tân Ước như đã được nói rõ ngày nay. Trong lời bày tỏ đơn giản của người thu thuế (“Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!”) chúng ta tìm thấy (1) đức tin vào Đức Chúa Trời, (2) thừa nhận tội lỗi, và (3) chấp nhận lòng thương xót. Sau đó, Chúa Jesus đưa ra một lời tuyên bố rất thú vị: Ngài nói người này trở về nhà "được xưng công bình". Đây chính xác là thuật ngữ mà Phao-lô dùng để mô tả địa vị của một người thánh trong Tân Ước, là người tin vào sứ điệp phúc âm và đặt niềm tin vào Đấng Christ: "Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta" (Rô-ma 5:1).

Trong bài tường thuật của Lu-ca thiếu điều thứ tư trong danh sách của Geisler - ấy là hiểu rằng có một Đấng Mê-si sẽ hiện đến. Tuy nhiên, những phân đoạn khác của Tân Ước cho thấy có thể đây là một sự giảng dạy thông thường. Ví dụ, trong câu chuyện của Giăng kể về Chúa Jesus và người đàn bà Sa-ma-ri ở bên giếng, bà ấy nói, "Tôi biết rằng Đấng Mê-si (nghĩa là Đấng Christ) phải đến; khi Ngài đã đến, Ngài sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta." (Giăng 4:25). Tuy nhiên, như chính Geisler đã thừa nhận, không phải niềm tin vào Đấng Mê-si là điều "phải có" cho sự cứu rỗi của Cựu Ước.

Sự mặc khải tiệm tiến – Nhiều Bằng chứng nữa trong Thánh Kinh

A quick search of Scripture reveals the following verses in both the Old and New Testaments that support the fact that faith in God has always been the avenue of salvation:

Tìm nhanh trong Thánh Kinh khám phá ra được những câu sau đây cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước xác nhận lập luận cho rằng đức tin nơi Đức Chúa Trời luôn luôn là con đường dẫn đến sự cứu rỗi:

• “[Áp-ra-ham] tin Chúa, bởi thế ông được Ngài xem là công chính” (Sáng thế ký 15:6).

• “Bấy giờ, ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu” (Giô-ên 2:32).

• “Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được” (Hê-bơ-rơ 10:4).

• “Ðức tin là bảo đảm chắc chắn cho những gì chúng ta hy vọng và bằng chứng cho những gì không trông thấy. Nhờ đức tin các bậc tiền nhân đã được chứng nhận.” (Hê-bơ-rơ 11:1-2).

• “Không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời, vì ai đến gần Ðức Chúa Trời phải tin rằng Ngài thực hữu, và Ngài là Ðấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6).

Thánh Kinh rõ ràng tuyên bố rằng đức tin là chìa khóa của sự cứu rỗi cho mọi người trong suốt lịch sử, nhưng làm sao Đức Chúa Trời có thể cứu những ai không biết đến sự hi sinh của Đấng Christ dành cho họ? Câu trả lời là Đức Chúa Trời cứu họ dựa trên sự đáp ứng của họ đối với sự hiểu biết mà họ đã có được. Đức tin của họ trông mong những điều mà họ chẳng thấy, trong khi ngày nay, những người tin nhìn lại những sự kiện mà họ có thể nhìn thấy. Hình vẽ sau mô tả về quan niệm này:



Thánh Kinh dạy rằng Đức Chúa Trời luôn luôn ban cho mọi người sự mặc khải đủ để xử dụng đức tin. Bây giờ công việc của Đấng Christ đã được hoàn thành, sự đòi hỏi đã thay đổi; "các đời ngu muội" (Công vụ 17:30) đã qua:

“Trong các đời trước, Ngài đã để cho tất cả các dân tộc đi theo đường lối của mình. Tuy nhiên, không phải Chúa không để lại các bằng chứng cho Ngài đâu” (Công vụ 14:16)

“Vậy thì, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn,” (Công vụ 17:30)

• “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Nhờ ân sủng Ngài ban, chúng ta không phải trả một giá nào, mà được xưng công chính, nhờ sự cứu chuộc đã thực hiện trong Ðức Chúa Jesus Christ. Ðức Chúa Trời đã lập Ðấng Christ làm con vật hiến tế chuộc tội, hầu khi chúng ta tin vào huyết của Ðấng Christ, Ngài có thể nguôi cơn giận của Ngài. Ðức Chúa Trời đã bày tỏ đức công chính của Ngài, khi Ngài bỏ qua [theo nghĩa đen là “cho phép không bị trừng phạt”] những tội lỗi loài người vi phạm trước kia, nhờ ơn chịu đựng vô lượng của Ngài” (Rô-ma 3:23-25).

Trước khi Đấng Christ giáng trần, Đức Chúa Trời đã báo trước sự chết của Chúa Jesus qua phương thức dâng tế lễ và qui định cho dân sự của Ngài để hiểu rằng tội lỗi dẫn đến sự chết. Luật pháp đã được ban cho như là một người giám hộ để dẫn dắt mọi người đến sự hiểu biết rằng họ là những tội nhân cần ân điển của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 3:24). Nhưng Luật pháp đã không hủy bỏ giao ước của Áp-ra-ham trước đó là giao ước dựa trên đức tin (Ga-la-ti 3:15,17); chính giao ước của Áp-ra-ham là khuôn mẫu cho sự cứu rỗi ngày nay (Rô-ma 4:1-3). Nhưng như Ryrie đã nói ở trên về nội dung chi tiết của đức tin của chúng ta – tức là lượng mặc khải được ban cho – đã được gia tăng trải qua các thời đại để mọi người ngày nay có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về những gì mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi họ.

Sự Mặc khải Tiệm tiến – Kết luận

Nói đến sự mặc khải tiệm tiến của Đức Chúa Trời, John Calvin viết: "Chúa đã giữ cho kế hoạch có trật tự này trong việc thực thi giao ước về lòng thương xót của Ngài: theo thời gian trôi qua, ngày của sự mặc khải trọn vẹn càng đến gần chừng nào thì mỗi ngày Ngài gia tăng độ rực rỡ của sự biểu lộ của nó nhiều chừng nấy. Do vậy, ngay từ khi lời hứa về sự cứu rỗi đầu tiên được ban cho A-đam (Sáng thế ký 3:15), nó được phát sáng như một tia sáng yếu ớt. Sau đó, khi được thêm vào thì ánh sáng lớn dần lên, ngày càng hé lộ và tỏa ra hào quang rực rỡ hơn. Cuối cùng - khi tất cả các đám mây tan đi – Đấng Christ, là Mặt trời Công bình, đã tỏa rạng khắp đất" (Institutes, 2.10.20).

Sự mặc khải tiệm tiến không có nghĩa là dân sự của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước đã không có sự mặc khải hay là sự hiểu biết nào cả. Calvin nói rằng không phải những người sống trước Đấng Christ là "không có sự giảng dạy chứa đựng hi vọng về sự cứu rỗi và sự sống đời đời, nhưng… họ chỉ thoáng thấy từ xa và trong hình bóng không rõ rệt những gì mà hôm nay chúng ta thấy được trong sự tràn ngập ánh nắng ban ngày" (Institutes, 2.7.16, 2.9.1, dẫn giải dựa trên Ga-la-ti 3:23).

Sự thật là không ai được cứu mà không bởi sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ đã được nêu rõ trong Thánh Kinh (Giăng 14:6). Nền tảng của sự cứu rỗi đã, và mãi sẽ luôn là sự hi sinh của Đấng Christ trên thập tự giá, và phương kế của sự cứu rỗi luôn luôn là đức tin nơi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nội dung đức tin của một người luôn phụ thuộc vào lượng mặc khải mà Đức Chúa Trời vui lòng ban cho tại một thời điểm nào đó.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Sự mặc khải tiệm tiến có liên quan gì đến sự cứu rỗi?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries