settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về nữ đồng trinh Ma-ri?

Trả lời


Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời mô tả là “người được ơn” (Lu-ca 1:28). Cụm từ người được ơn khởi nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “rất được phước”. Ma-ri đã nhận được ơn của Đức Chúa Trời.

Ân điển là “sự ban cho một cách không xứng đáng”; nghĩa là, ân điển là một phước lành mà chúng ta nhận được mặc dù thực tế là chúng ta không xứng đáng để nhận nó. Ma-ri cũng cần ân điển từ Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế như chính mỗi một người trong chúng ta. Chính bản thân Ma-ri cũng hiểu được điều này, khi bà đã bày tỏ ở trong Lu-ca 1:47 “Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi.”

Người nữ đồng trinh Ma-ri, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, nhận ra rằng bà cần Chúa Cứu Thế. Kinh Thánh không bao giờ nói rằng bà Ma-ri không phải là một con người bình thường mà Đức Chúa Trời đã chọn sử dụng một cách phi thường. Đúng vậy, Ma-ri là một người nữ công chính và được ân điển (được phước) bởi Đức Chúa Trời (Lu-ca 1:27-28). Đồng thời, Ma-ri cũng là một tội nhân cần Chúa Giê-su Christ, Cứu Chúa của bà, như bất kỳ ai khác (Truyền đạo 7:20; Rô-ma 3:23, 6:23; 1 Giăng 1:8).

Nữ đồng trinh Ma-ri không có “thụ thai vô nhiễm nguyên tội”. Kinh Thánh không gợi ý rằng sự ra đời của Ma-ri không phải là một sự ra đời bình thường của con người. Ma-ri là nữ đồng trinh khi sinh ra Chúa Giê-su (Lu-ca 1:34-38), nhưng bà không phải đồng trinh mãi mãi. Ý tưởng về sự đồng trinh trọn đời của Ma-ri là trái với Kinh Thánh. Ma-thi-ơ 1:25, nói về Giô-sép, bày tỏ rằng, “nhưng không ăn ở với nàng cho đến khi nàng sinh một con trai và đặt tên là Giê-su.” Từ “cho đến khi” rõ ràng chỉ ra rằng Giô-sép và Ma-ri đã có quan hệ tình dục bình thường sau khi Chúa Giê-su ra đời. Ma-ri vẫn đồng trình đến khi sự sinh ra của Đấng Cứu Thế, nhưng sau đó Giô-sép và Ma-ri đã có nhiều con cái với nhau. Chúa Giê-su có bốn anh em cùng mẹ khác cha: Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn và Giu-đa (Ma-thi-ơ 13:55). Chúa Giê-su cũng có các chị em cùng mẹ khác cha, mặc dù họ không được nêu tên hay liệt kê (Ma-thi-ơ 13:55-56). Đức Chúa Trời ban ơn và ân điển trên Ma-ri bằng cách ban cho bà rất nhiều con cái, điều mà trong nền văn hóa đó được chấp nhận là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự ban phước của Đức Chúa Trời đối với một người nữ.

Một lần, khi Chúa Giê-su đang phán dạy, một người phụ nữ trong đám đông cất tiếng rằng, “Phước cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú” (Lu-ca 11:27). Không có cơ hội nào tốt hơn để Chúa Giê-su bày tỏ rằng Ma-ri thực sự đáng được khen ngợi và tôn thờ trong lúc này. Chúa Giê-su đã đáp như thế nào? “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn” (Lu-ca 11:28). Đối với Chúa Giê-su, sự vâng phục đối với lời của Đức Chúa Trời quan trọng hơn là việc trở thành người nữ đã sinh ra Đấng Cứu Thế.

Không ở đâu trong Kinh Thánh chép rằng Chúa Giê-su hay bất kỳ ai trực tiếp ngợi khen, tôn vinh, hay tôn thờ đối với bà Ma-ri. Ê-li-sa-bét, họ hàng của Ma-ri, đã ngợi khen Ma-ri trong Lu-ca 1:42-44, nhưng sự ngợi khen của bà cũng dựa trên phước lành sinh ra Đấng Mê-si-a. Nó không dựa trên bất kỳ sự vinh quang vốn có nào của bà Ma-ri cả. Thực tế là sau sự kiện này, Ma-ri đã hát một bài ca ngợi Chúa, tán dương sự quan tâm của Ngài đối với những người có hoàn cảnh thấp hèn cũng như lòng thương xót và thành tín của Ngài (Lu-ca 1:46–55).

Nhiều người tin rằng Ma-ri là một trong các nguồn thông tin mà Lu-ca sử dụng để viết sách Phúc Âm của ông (đọc Lu-ca 1:1-4). Lu-ca ghi chép về việc thiên sứ Gáp-ri-ên thăm viếng Ma-ri và nói rằng bà sẽ sinh một con trai, là Đấng Cứu Thế. Ma-ri đã không chắc chắn bằng cách nào việc này có thể xảy ra khi bà là một nữ đồng trinh. Khi Gáp-ri-ên nói với bà rằng đứa trẻ sẽ chịu thai bởi Đức Thánh Linh, Ma-ri thưa, “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! Đoạn thiên sứ lìa khỏi Ma-ri” (Lu-ca 1:38). Ma-ri đã trả lời với niềm tin và sự sẵn sàng vâng phục kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng vậy, cần có đức tin nơi Đức Chúa Trời và đi theo Ngài một cách vâng phục.

Khi mô tả sự kiện Chúa Giê-su giáng sinh và phản ứng của những ai nghe thông điệp của các mục đồng về Chúa Giê-su, Lu-ca viết: “Còn Ma-ri thì ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng” (Lu-ca 2:19). Khi Giô-sép và Ma-ri dâng Chúa Giê-su trong đền thờ, Si-mê-ôn đã nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và ông ngợi khen Đức Chúa Trời. Giô-sép và Ma-ri ngạc nhiên về điều Si-mê-ôn nói. Si-mê-ôn còn nói với Ma-ri rằng, “Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả; còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi” (Lu-ca 2:34-35).

Một lần khác tại đền thờ, khi Chúa Giê-su mười hai tuổi, Ma-ri đã buồn giận vì Chúa Giê-su vẫn ở lại khi cha mẹ Ngài rời đi để về Na-xa-rét. Họ đã vất vả trong việc tìm kiếm Ngài. Khi họ tìm thấy Ngài vẫn đang ở trong đền thờ, Ngài nói rằng Ngài phải ở trong nhà Cha Ngài (Lu-ca 2:49). Chúa Giê-su trở về Na-xa-rét với cha mẹ trên đất của Ngài và chịu lụy họ. Một lần nữa chúng ta thấy rằng Ma-ri “ghi nhớ các việc ấy vào lòng” (Lu-ca 2:51). Việc nuôi dạy Chúa Giê-su chắc hẳn là một nỗ lực khó khăn nhưng cũng chứa đầy những khoảnh khắc quý giá, có lẽ những kỷ niệm càng trở nên sâu sắc hơn khi Ma-ri hiểu rõ hơn về Chúa Giê-su là ai. Cũng vậy, chúng ta có thể trân trọng sự nhận biết về Đức Chúa Trời ở trong lòng và ghi nhớ các việc làm của Ngài trên đời sống của chúng ta.

Chính bà Ma-ri đã yêu cầu sự can thiệp của Chúa Giê-su tại buổi tiệc cưới ở Ca-na, nơi Ngài thực hiện phép lạ đầu tiên và biến nước thành rượu. Mặc dù lúc đầu Chúa Giê-su dường như đã từ chối bà, nhưng Ma-ri vẫn hướng dẫn các đầy tớ làm theo những gì Ngài bảo họ làm. Bà có sự tin cậy vào Ngài (Giăng 2:1-11).

Sau này trong chức vụ công khai của Chúa Giê-su, gia đình Ngài ngày càng lo lắng. Mác 3:20-21 chép rằng, “Đức Chúa Giê-su cùng môn-đồ vào trong một cái nhà; đoàn dân lại nhóm-họp tại đó, đến nỗi Ngài và môn-đồ không ăn được. Những bạn-hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm-giữ Ngài; vì người ta nói Ngài đã mất trí-khôn.” Khi gia đình của Ngài đến, Chúa Giê-su tuyên bố rằng những ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là gia đình của Ngài. Anh em của Chúa Giê-su đã không tin vào Ngài trước khi Ngài bị đóng đinh, nhưng ít nhất có hai trong số họ đã tin sau đó – Gia-cơ và Giu-đe (Giu-đa), là các tác giả của các sách Tân Ước mang tên họ.

Ma-ri dường như đã tin Chúa Giê-su trong suốt cuộc đời của Ngài. Bà đã có mặt tại thập tự giá khi Chúa Giê-su chết (Giăng 19:25), chắc chắn bà cảm thấy “thanh gươm” mà Si-mê-ôn đã tiên tri là sẽ xuyên thấu tâm hồn bà. Chính tại nơi đó, ở thập giá, Chúa Giê-su đã yêu cầu Giăng làm con trai của Ma-ri và đưa bà về nhà của ông (Giăng 19:26-27). Ma-ri cũng đã ở cùng các môn đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 1:14). Tuy nhiên, sau đó Ma-ri đã không còn được nhắc đến từ sau Công vụ chương 1.

Các sứ đồ đã không cho Ma-ri một vai trò nổi bật. Cái chết của Ma-ri cũng không được ghi lại trong Kinh Thánh. Không có bất kỳ điều gì ghi lại là bà Ma-ri được lên thiên đàng hay có vai trò cao quý nào ở đó. Là một người mẹ thuộc thể của Chúa Giê-su, bà Ma-ri nên được kính trọng, nhưng bà không đáng để chúng ta thờ phượng hay tôn sùng.

Không có chỗ nào trong Kinh Thánh chỉ ra rằng bà Ma-ri có thể nghe lời cầu nguyện của chúng ta hoặc bà có thể làm trung gian cho chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su là người biện hộ và trung gian duy nhất của chúng ta trên thiên đàng (1 Ti-mô-thê 2:5). Nếu được thờ phượng, tôn sùng, hay cầu nguyện, bà Ma-ri hẳn sẽ nói giống như các thiên sứ rằng: “Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời!” (Đọc KHải huyền 19:10, 22:9). Chính bản thân Ma-ri là một ví dụ cho chúng ta, chỉ thờ phượng, tôn thờ, và ca ngợi một mính Chúa mà thôi: “Tâm-thần tôi mừng-rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa tôi, Vì Ngài đã đoái đến sự hèn-hạ của tôi-tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước; Bởi Đấng Toàn-năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh” (Lu-ca 1:46-49)

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về nữ đồng trinh Ma-ri?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries