settings icon
share icon
Câu hỏi

Khái niệm Niết Bàn trong Phật Giáo là gì?

Trả lời


Niết Bàn (Nirvana), theo định nghĩa của Phật Giáo, là một trạng thái tồn tại phức tạp, nơi đó con người được thoát khỏi những khổ ải của trần gian và nhận thức được sự hợp nhất của mình với vũ trụ. Khi tiềm thức của một người đã bước vào Niết Bàn, người đó có thể dần dần thoát khỏi vòng tròn luân hồi và tồn tại ở một dạng thức tâm linh, mặc dù không còn bản sắc cá nhân nữa. Từ ngữ Nirvana có nghĩa gốc là “thổi tắt” hay “dập tắt”, nhưng ý nghĩa này khi áp dụng vào đời sống tâm linh của một người thì sẽ trở nên phức tạp hơn. Nirvana có thể chỉ về hành động dập tắt – có thể diễn ra từ từ hoặc ngay lập tức (như thổi tắt một ngọn nến). Mục tiêu cuối cùng của một Phật Tử là đạt đến Niết Bàn, khi sự “dập tắt” mọi tham vọng trong thế gian đã hoàn tất, và người đó được biến đổi sang một trạng thái tồn tại khác. Hãy tưởng tượng điều này như một ngọn nến đang cháy và rồi bị dập tắt. Năng lượng của nó không bị tiêu diệt, nhưng được chuyển từ dạng thức này sang một dạng thức khác. Đây là cách minh họa căn bản cho những gì xảy ra khi linh hồn một người đạt đến cõi Niết Bàn.

Có ba “ngọn lửa” mà một Phật Tử muốn tìm cách dập tắt để có thể đạt đến Niết Bàn. Ba ngọn lửa đó là tham (tham lam), sân (thù ghét) và si (si mê, ngu muội). Về ý nghĩa trên bề mặt, sự dập tắt dục vọng này có vẻ giống với Kinh Thánh. Lời Chúa cảnh báo chúng ta về việc bị tiêu nuốt hoặc bị dẫn dụ bởi cám dỗ/dục vọng (Rô-ma 6:12) và lệnh cho chúng ta phải “làm cho chết” những gì thuộc về thế gian còn vương vấn trong mình, bao gồm những ham muốn tội lỗi (Cô-lô-se 3:5). Sự hận thù và cố tình sống trong u mê cũng bị Kinh Thánh lên án. Có không dưới 71 câu Châm Ngôn nói về “kẻ dại dột/kẻ ngu dốt”, và tất cả chúng đều mang nghĩa phê phán. Sự thù ghét, theo Kinh Thánh, cũng là một trạng thái tiêu cực. “Sự thù ghét sinh ra tranh cãi, lòng yêu thương khỏa lấp mọi tội tình” (Châm Ngôn 10:12).

Tuy nhiên, sự dập tắt “tham vọng” của Phật Giáo khác xa so với lời răn dạy của Kinh Thánh là “tránh xa những dục vọng của tuổi trẻ” (II Ti-mô-thê 2:22). Phật Giáo không xem tội lỗi như là một sự vi phạm nguyên tắc đạo đức thiêng liêng; đúng hơn, nó khuyến nghị loại bỏ tất cả ham muốn, tất nhiên là tự đánh bại bản thân – và để thoát khỏi mọi ham muốn, một người cần phải có khát khao để loại bỏ chúng. Và dù sao đây cũng không phải là một ý tưởng hiệp với Kinh Thánh. Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho chúng ta điều lòng mình ao ước, nếu chúng ta vui thỏa nơi Ngài (Thi Thiên 37:4), và ngược lại với khái niệm Niết Bàn, Thiên Đàng theo định nghĩa của Kinh Thánh là nơi ngập tràn sự vui sướng và mọi ước muốn được thỏa mãn (Thi Thiên 16).

Khái niệm về Niết Bàn là hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Kinh Thánh về Thiên Đàng. Thánh Kinh cho biết chúng ta không thể bởi việc làm mà được vào Thiên Đàng (Rô-ma 3:20). Không có một sự thiền định, tự chối bỏ bản thân, hay sự giác ngộ nào là đủ để có thể khiến một người trở nên công bình trước một Đức Chúa Trời thánh khiết. Thêm vào đó, Phật Giáo dạy rằng khi một người bước vào cõi Niết Bàn, họ sẽ mất hết tất cả những đặc điểm cá nhân, những ước muốn, và kể cả thân thể của mình nữa. Kinh Thánh dạy rằng Thiên Đàng là một nơi có thật, không phải là một trạng thái của tâm trí. Tại đó chúng ta vẫn giữ lại những đặc điểm cá nhân và được mặc lấy một thân thể tái sinh. Chúng ta sẽ không chỉ tồn tại trong một trạng thái mơ hồ hay sự thờ ơ vĩnh viễn; thay vào đó, chúng ta sẽ tận hưởng việc được thỏa mãn khát khao căn bản nhất của chính mình – được ở trong mối tương giao trọn vẹn với Đức Chúa Trời: “Trước mặt Chúa có trọn niềm hoan lạc, bên phải Chúa có điều vui sướng vô cùng” (Thi Thiên 16:11).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Khái niệm Niết Bàn trong Phật Giáo là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries