settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta cần học gì từ cuộc đời của Y-sác?

Trả lời


Cái tên Y-sác, có nghĩa là “ông ấy cười,” đã có xuất phát từ phản ứng của cha mẹ ông khi Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham rằng ông, lúc 100 tuổi, và vợ ông là Sa-ra, lúc 90 tuổi, sẽ có một con trai (Sáng thế ký 17:17; 18:12). Y-sác là người con trai thứ hai của Áp-ra-ham; người con trai đầu tiên của ông, Ích-ma-ên, sinh ra bởi người hầu gái của Sa-ra, Ha-ga, do Sa-ra nôn nóng muốn cho Áp-ra-ham một gia đình (Sáng thế ký 16:1-2). Ngay khi Y-sác cai sữa, Sa-ra nhất quyết yêu cầu Áp-ra-ham đuổi Ha-ga và con trai bà đi, để đảm bảo rằng tài sản thừa kế của gia đình sẽ thuộc về Y-sác (Sáng thế ký 21:3-12).

Nhiều năm sau, Y-sác được cha mình đem lên một ngọn núi, nơi mà Áp-ra-ham, trong sự vâng lời Đức Chúa Trời, sẵn sàng hy sinh ông (Sáng thế ký 22:1-14). Áp-ra-ham, Y-sác và hai đầy tớ của Áp-ra-ham đã chất đồ lên lưng lừa và thực hiện cuộc hành trình ba ngày đường đến Núi Mô-ri-a. Bỏ lại những người hầu của mình, Áp-ra-ham và Y-sác mang củi, dao và các vật liệu để đốt lửa, nói rằng họ sẽ thờ phượng rồi trở về. Tò mò, Y-sác đã hỏi cha mình về nơi con chiên cần dùng làm của lễ. Áp-ra-ham nói với Y-sác rằng chính Đức Chúa Trời sẽ cung cấp chiên con. Áp-ra-ham tiến hành xây dựng bàn thờ và trói Y-sác để nằm trên bàn thờ. Kinh Thánh không nói đến Y-sác có sự chống cự nào. Khi Áp-ra-ham chuẩn bị giết Y-sác, một thiên sứ đã ngăn ông lại. Sau đó, Áp-ra-ham nhìn thấy một con chiên đực trong bụi cây và đã dùng nó làm của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời. Có một sự tương đồng thú vị trong câu chuyện này, đó là việc Đức Chúa Trời từ bỏ con trai duy nhất của Ngài, Chúa Giê-su, để làm của lễ hy sinh. Đức Chúa Trời đã thực sự cung cấp Chiên Con—nghĩa đen là cho Áp-ra-ham và Y-sác lúc bấy giờ và nghĩa bóng là cho toàn thể nhân loại sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh của Chúa Giê-su (Giăng 1:29; Hê-bơ-rơ 10).

Sa-ra qua đời khi Y-sác gần 30 tuổi. Sau khi bà qua đời, Áp-ra-ham sai một trong những người hầu của mình đi tìm một người vợ cho Y-sác từ thị tộc của họ, vì Áp-ra-ham đã quyết tâm không cho con trai mình lấy vợ là người Ca-na-an (Sáng thế ký 24:1-51). Người đầy tớ của Áp-ra-ham đã cầu nguyện để tìm được một người vợ phù hợp và Đức Chúa Trời hướng dẫn ông để tìm kiếm. Khi được 40 tuổi, Y-sác kết hôn với người em họ là Rê-bê-ca (Sáng thế ký 25:20). Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng "ông yêu-mến nàng. Vậy, Y-sác được giải phiền sau khi mẹ mình qua đời. " (Sáng thế ký 24:67).

Ở tuổi 60, Y-sác sinh đôi — Gia-cốp và Ê-sau. Trong khi Y-sác yêu thích con trai cả của mình, Ê-sau, thì Gia-cốp là người con yêu thích nhất của Rê-bê-ca. Điều này gây ra sự cạnh tranh lớn trong gia đình và dẫn đến việc Gia-cốp, người con út, nhận được tài sản thừa kế và phước lành của cha mà lẽ ra phải thuộc về Ê-sau, con cả, sau khi Y-sác và Ê-sau bị Rê-bê-ca và Gia-cốp lừa dối. Y-sác nhận thức được sự lừa dối nhưng không thể rút lại lời chúc phúc của mình cho Gia-cốp (Sáng thế ký 27). Rê-bê-ca biết được kế hoạch giết Gia-cốp của Ê-sau sau cái chết của Y-sác và thuyết phục Y-sác gửi Gia-cốp đến cho anh trai của bà là La-ban để tìm một người vợ trong số những người thân của bà. Y-sác một lần nữa chúc phước cho Gia-cốp trước khi tiễn ông lên đường, cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước lành cho Gia-cốp như Áp-ra-ham.

Áp-ra-ham qua đời khi Y-sác khoảng 75 tuổi và để lại hết thảy gia tài cho ông (Sáng thế ký 25:5). Mặc dù Ích-ma-ên đã bị đuổi đi khi Y-sác cai sữa, nhưng cả Y-sác và Ích-ma-ên đều đã cùng chôn cất Áp-ra-ham (Sáng thế ký 25:9). Kinh Thánh không nói cụ thể về mối quan hệ của họ, con cháu của Ích-ma-ên và con cháu của Y-sác trong lịch sử là kẻ thù của nhau; sự thù hận vẫn còn cho đến ngày nay. Nhưng điều thú vị cần lưu ý là hai người đàn ông dường như đã cùng nhau để tang cha của họ.

Khi xảy ra nạn đói trong xứ, Đức Chúa Trời hiện ra với Y-sác và bảo ông đừng đi qua Ai Cập mà hãy ở lại xứ này. Đức Chúa Trời hứa sẽ ở cùng Y-sác và ban phước cho ông và ban đất cho con cháu của Y-sác. Đức Chúa Trời tái khẳng định giao ước mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham, rằng Ngài sẽ làm cho dòng dõi của ông đông như sao trên trời và qua họ mà ban phước cho tất cả các quốc gia trên trái đất (Sáng thế ký 26:1–6).

Y-sác ở lại xứ Ca-na-an. Nhưng, tương tự như những gì cha ông đã làm nhiều năm trước khi ông sinh ra, vì sợ hãi, Y-sác đã giới thiệu Rê-bê-ca như là em gái mình hơn là vợ (Sáng thế ký 26:7–11). Nhưng, giống như Đức Chúa Trời đã bảo vệ Sa-ra, Ngài cũng bảo vệ Rê-bê-ca. Đức Chúa Trời ban phước cho Y-sác với mùa màng bội thu và của cải, đến nỗi người Phi-li-tin ghen tị và bịt các giếng nước mà Áp-ra-ham đã đào. Vua Phi-li-tin yêu cầu Y-sác rời đi nơi khác, và Y-sác làm theo, di chuyển từ nơi này sang nơi khác để đào giếng mới khi kẻ thù tranh chấp với ông về nguồn nước. Vua Phi-li-tin sớm nhận ra rằng Y-sác đã được Đức Chúa Trời ban phước và đã lập một hiệp ước hòa bình giữa họ (Sáng thế ký 26:26–31).

Y-sác qua đời ở tuổi 180 và được chôn cất bởi cả hai người con trai của mình. Đức Chúa Trời khẳng định giao ước của Ngài với con trai của Y-sác là Gia-cốp, người mà Ngài đổi tên thành Y-sơ-ra-ên.

Mặc dù phần lớn câu chuyện của Y-sác là chuyện kể mà không có nhiều bài học dễ áp dụng cho cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta thấy nơi Y-sác một tấm lòng đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, ông vâng lời Áp-ra-ham và Sa-ra và dường như tin cậy vào sự hướng dẫn của họ. Ông đã vâng lời khi Đức Chúa Trời bảo ông ở lại xứ này bất chấp nạn đói và sự tấn công của kẻ thù. Khi Y-sác khám phá ra rằng mình đã bị con trai là Gia-cốp lừa dối, ông đã chấp nhận và phục tùng điều mà ông công nhận là ý muốn của Đức Chúa Trời, mặc dù điều đó hoàn toàn trái với truyền thống có thể được chấp nhận vào thời điểm đó. Giống như Y-sác đã khám phá ra, chúng ta cũng phải nhớ rằng đường lối của Đức Chúa Trời không giống đường lối của chúng ta hay ý tưởng của Ngài không giống với ý tưởng của chúng ta (Ê-sai 55:8). Câu chuyện của Y-sác cũng chứng tỏ sự thành tín của Đức Chúa Trời với những lời hứa của Ngài — Ngài đã lập giao ước với Áp-ra-ham và sẽ tiếp tục duy trì giao ước đó với Y-sác và Gia-cốp, con trai của Y-sác.

Mặc dù không có thành tựu to lớn nào để nói về cuộc đời của Y-sác, nhưng chính Y-sác là người được Đức Chúa Trời chọn để tiếp tục dòng dõi của giao ước, dòng dõi sẽ sản sinh ra Đấng Mê-si, Chúa Giê-su. Và trong nhiều thế hệ, quốc gia Do Thái đã mô tả Đức Chúa Trời của họ là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Thật vậy, có một số phân đoạn Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời mô tả chính Ngài theo cách tương tự (ví dụ, Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6). Y-sác được liệt kê cùng với các tộc trưởng khác và có một vị trí trong vương quốc của Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:28). Và không có vinh dự nào lớn hơn mà chúng ta có thể hy vọng đạt được.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta cần học gì từ cuộc đời của Y-sác?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries