settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta nên học gì từ cuộc đời của Nê-hê-mi?

Trả lời


E-xơ-ra và Nê-hê-mi là những người cùng thời, cả hai đều viết về việc xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, nó diễn ra khoảng 70 năm sau khi thành bị người Ba-by-lôn dưới thời vua Nê-bu-cát-nết-sa hủy phá. Ông E-xơ-ra viết về việc xây lại đền thờ dưới thời Xô-rô-ba-bên, trong khi Nê-hê-mi viết về việc xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Từ thời cổ đại, các thành phố ở Trung Đông được bao quanh bởi những bức tường đá với các cổng thành được canh gác để bảo vệ người dân. Những người nam quan trọng của mỗi thành sẽ tập trung tại cổng thành, nơi họ sẽ tiến hành công việc kinh doanh của thành, chia sẻ những thông tin quan trọng hoặc chỉ để giết thời gian.

Lời tường thuật của Nê-hê-mi bắt đầu vào năm 445 TCN, và niên đại này rất quan trọng vì tiên tri Đa-ni-ên, một người cùng thời với E-xơ-ra và Nê-hê-mi, đã viết lời tiên tri “70 tuần lễ của các năm” (Đa-ni-ên 9:24-27) dựa trên một ngày rất cụ thể—ngày 15 tháng 3, 445 TCN. Ngày này rất quan trọng đối với phần đầu của lời tiên tri vì nó bắt đầu dòng thời gian của lời tiên tri, kết thúc với sự tái lâm của Chúa Giê-su Christ. Lời tiên tri này đã được viết rất lâu trước khi Chúa Giê-su đến lần thứ nhất, nhưng nó vẫn tiếp tục trong suốt những năm trước khi Ngài bị “đóng đinh”. Nó cho biết chi tiết về kẻ chống Chúa, cách hắn sẽ xuất hiện trên thế gian và cách hắn sẽ hành động chống lại Y-sơ-ra-ên trong cuộc tấn công cuối cùng của hắn vào Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài. Chúng ta hiện đang sống giữa tuần thứ 69 và 70.

Lời tiên tri của Đa-ni-ên được tìm thấy trong Đa-ni-ên 9:25: “Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần-lễ, và sáu mươi hai tuần-lễ; thành đó sẽ được xây lại, có đường-phố và hào, trong kỳ khó-khăn.” Nê-hê-mi không biết rằng mình đang làm ứng nghiệm lời tiên tri do Đa-ni-ên viết. Nê-hê-mi, người cũng đang bị lưu đày ở Ba-by-lôn vào thời điểm đó, đã bắt đầu các bài viết của mình bằng lời cầu thay cho dân tộc của mình, Y-sơ-ra-ên, cũng như Đa-ni-ên không ngừng cầu nguyện cho họ, cầu khẩn Đức Chúa Trời thương xót họ và đưa họ trở về quê hương, Nê-hê-mi đã liệt kê những ngày cụ thể, dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, để có thể ghi nhận lại về việc ban hành sắc lệnh xây dựng lại Giê-ru-sa-lem.

Trước khi xin phép nhà vua để xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi đã cầu nguyện và Đức Chúa Trời đáp lời thỉnh cầu của ông. Khi rời khỏi Ba-by-lôn, ông gặp một số người Ả-rập chế giễu ông về những gì ông sắp làm. Nê-hê-mi 2:20 ghi lại lời tuyên bố của ông, mà nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như một minh chứng cho việc ai có quyền đối với thành Giê-ru-sa-lem: “Tôi bèn đáp với chúng nó rằng: Đức Chúa của các từng trời sẽ ban cho chúng ta sự hanh-thông; vì vậy, chúng ta, là tôi-tớ Ngài, sẽ chỗi dậy và xây-sửa lại; nhưng các ngươi không có phần, hoặc phép, hoặc kỷ-niệm trong Giê-ru-sa-lem.”

Nê-hê-mi tiếp tục tìm cách xây dựng lại Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Trời đã cung ứng tất cả những nhân công cần thiết, và việc xây dựng bắt đầu. Tuy nhiên, họ không phải là không có kẻ thù—những kẻ muốn ngăn cản quá trình xây dựng lại. Nhưng Đức Chúa Trời đã can thiệp như Ngài đã làm với Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:14). Nê-hê-mi 4:20 ghi lại, " Tại nơi nào các ngươi nghe tiếng kèn, thì hãy nhóm lại cùng chúng ta ở đó; Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ chiến-đấu cho chúng ta." Đây là kế hoạch đã định trước của Đức Chúa Trời để đưa dân sự của Ngài ra khỏi vòng nô lệ và trở lại xứ sở của họ để một lần nữa họ được thờ phượng trong đền thờ.

Chúng ta có thể học được từ cuộc đời của Nê-hê-mi những bài học quý giá trong việc khôi phục và duy trì mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Khi người dân quay trở lại thành được xây dựng lại, nhiệm vụ đầu tiên là đảm bảo rằng họ hiểu Luật Pháp Môi-se. Vì vậy, thầy tế lễ E-xơ-ra đã dành nhiều giờ để đọc Luật Pháp trước hội chúng, đảm bảo rằng họ hiểu điều Đức Chúa Trời mong muốn. Nê-hê-mi 8:18 ghi lại những gì nên là một phần trong cuộc sống của mỗi tín đồ, đó là đọc Lời Đức Chúa Trời hàng ngày: “Mỗi ngày, từ ngày đầu cho đến ngày chót, người đọc trong sách Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ăn lễ bảy ngày; còn qua ngày thứ tám, có một lễ trọng-thể, tùy theo luật-lệ.”

Nê-hê-mi là minh chứng cho sự trung tín và bền đổ. Ông sống xa quê hương, nhưng ông không bao giờ thôi hy vọng rằng một ngày nào đó ông sẽ được trở lại nơi đó. Phần lớn cuộc đời ông bị lưu đày ở một vùng đất ngoại giáo, nhưng ông không bao giờ lung lay trong đức tin và sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Ông là một chiến binh cầu nguyện, đặt mọi thứ trước mặt Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện, cầu thay cho người dân của mình, và ông đã được khen thưởng vì sự siêng năng và kiên trì của mình. Nê-hê-mi quan tâm nhiều đến dân của mình đến nỗi ông không bao giờ từ bỏ hy vọng phục hồi họ, không chỉ quê hương của họ, mà còn cả Đức Chúa Trời, Đấng đã gọi tổ phụ của họ, Áp-ra-ham, ra khỏi cùng một vùng đất và lập một giao ước với ông, một giao ước mà Nê-hê-mi tin rằng sẽ đứng vững đời đời.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta nên học gì từ cuộc đời của Nê-hê-mi?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries