settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Gióp?

Trả lời


Cuộc đời của Gióp cho chúng ta thấy rằng con người thường không nhận thức được Đức Chúa Trời đang hành động qua nhiều cách trong đời sống của mỗi tín hữu. Cuộc đời của Gióp cũng phản ánh một trong những câu hỏi thường gặp: “Tại sao người tốt lại gặp phải chuyện xấu?” Đó là câu hỏi muôn thuở và khó trả lời, nhưng là Cơ Đốc Nhân, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời luôn nắm quyền kiểm soát, và cho dù điều gì xảy ra, thì mọi thứ đều không phải ngẫu nhiên—không có điều gì xảy ra một cách tình cờ. Gióp cũng là một người tin Chúa; ông biết rằng Đức Chúa Trời đang ngự trên ngai vàng và có toàn quyền kiểm soát, mặc dù ông không có cách nào biết tại sao có quá nhiều bi kịch khủng khiếp xảy ra trong cuộc đời mình.

Gióp là người “trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác” (Gióp 1:1). Ông có mười người con và là một người rất giàu có. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng một ngày kia Sa-tan trình diện trước Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời hỏi Sa-tan nghĩ gì về Gióp. Sa-tan buộc tội Gióp tôn vinh Đức Chúa Trời chỉ vì Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã cho phép Sa-tan lấy đi của cải của Gióp và các con của ông. Sau đó, Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan hành hạ Gióp về thể xác. Gióp vô cùng đau buồn nhưng không cáo buộc Đức Chúa Trời đã làm điều sai trái (Gióp 1:22; 42:7–8).

Bạn bè của Gióp chắc chắn rằng Gióp đã phạm tội để phải nhận hình phạt như vậy và họ tranh luận với ông về điều đó. Nhưng Gióp khẳng định mình vô tội, mặc dù ông thừa nhận rằng mình muốn chết và đã thắc mắc với Đức Chúa Trời. Ê-li-hu, một người trẻ hơn, tự mình nói thay cho Đức Chúa Trời, đã trả lời Gióp. Gióp đoạn 38—42 thuật lại một số bài thơ hay nhất về sự vĩ đại và quyền năng của Đức Chúa Trời. Gióp đáp lại bài giảng của Đức Chúa Trời trong sự khiêm nhường và ăn năn, nói rằng ông đã nói về những điều mà mình không biết (Gióp 40:3–5; 42:1–6). Đức Chúa Trời nói với những người bạn của Gióp rằng Ngài tức giận với họ vì họ đã nói dối về Ngài, không giống như Gióp là người đã nói thật (Gióp 42:7–8). Đức Chúa Trời bảo họ dâng của lễ và Gióp sẽ cầu thay cho họ và Đức Chúa Trời sẽ nhận lời cầu nguyện của Gióp. Gióp đã làm như vậy, có lẽ bản thân ông đã tha thứ cho những lời lẽ khắc nghiệt của bạn bè mình. Đức Chúa Trời đã phục hồi những mất mát của Gióp gấp đôi (Gióp 42:10) và "ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang thì" (Gióp 42:12). Gióp đã sống thêm 140 năm sau việc ấy.

Gióp không bao giờ đánh mất niềm tin nơi Đức Chúa Trời, ngay cả trong những nghịch cảnh đau lòng nhất. Đức Chúa Trời đã thử thách ông đến tận cùng. Thật khó để tưởng tượng việc mất tất cả những gì chúng ta có trong một ngày—tài sản, của cải và thậm chí cả con cái. Hầu hết con người sẽ dễ rơi vào trầm cảm và thậm chí có thể tự tử sau mất mát lớn như vậy. Mặc dù chán nản đến mức nguyền rủa ngày sinh của mình (Gióp 3:1–26), Gióp chưa bao giờ nguyền rủa Đức Chúa Trời (Gióp 2:9–10) và ông cũng không nao sờn khi hiểu rằng Đức Chúa Trời vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Mặt khác, ba người bạn của Gióp, thay vì an ủi ông, lại cho ông những lời khuyên tồi tệ và thậm chí buộc tội ông đã phạm những tội lỗi nghiêm trọng đến nỗi Đức Chúa Trời đang trừng phạt ông bằng sự khốn khổ. Gióp biết Đức Chúa Trời đủ rõ để nhận biết rằng Ngài không hành động theo cách đó; trên thực tế, ông có một mối liên hệ mật thiết, riêng tư với Ngài đến nỗi ông có thể nói: “Dầu Chúa giết ta, tôi cũng còn nhờ cậy nơi Ngài; Nhưng ta sẽ binh vực tánh hạnh ta trước mặt Ngài” (Gióp 13:15). Khi vợ của Gióp nói ông nên nguyền rủa Chúa và chết đi, Gióp đáp lại rằng: "Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta lại chẳng lãnh lấy sao?" (Gióp 2:10).

Hoàn cảnh khốn khổ của Gióp, từ cái chết của con cái, tài sản bị mất cho đến sự hành hạ thể xác mà ông phải chịu đựng, cộng với sự lăng mạ của những người được gọi là bạn bè, không bao giờ khiến ông lung lay đức tin. Ông biết Đấng Cứu Chuộc của mình là ai, ông biết rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi hằng sống, và ông biết rằng một ngày nào đó Ngài sẽ đứng trên đất (Gióp 19:25). Ông hiểu rằng ngày của con người đã được ấn định và không thể thay đổi được (Gióp 14:5). Chiều sâu tâm linh của Gióp thể hiện xuyên suốt sách này. Gia-cơ đề cập đến Gióp như một tấm gương về sự kiên trì khi viết: "Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình. Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ" (Gia-cơ 5:10–11).

Ngoài ra còn có một số sự thật khoa học và lịch sử trong sách Gióp. Sách Gióp ngụ ý rằng trái đất có hình tròn từ rất lâu trước khi khoa học hiện đại ra đời (Gióp 22:14). Cuốn sách đề cập đến khủng long—không phải theo tên đó, nhưng mô tả về con quái vật khổng lồ chắc chắn giống như khủng long—sống bên cạnh con người (Gióp 40:15–24).

Sách Gióp cho chúng ta một cái nhìn sơ lược đằng sau bức màn ngăn cách cuộc sống trên thế gian với thiên đàng. Ở phần đầu của sách, chúng ta thấy rằng Sa-tan và các thiên thần sa ngã vẫn được phép lên thiên đàng, ra mắt Chúa theo quy định diễn ra ở đó. Điều hiển nhiên là Sa-tan đang bận rộn làm điều ác trên thế gian, như được ghi trong Gióp 1:6–7. Ngoài ra, lời tường thuật này cho thấy Sa-tan là “kẻ kiện cáo anh em,” tương ứng với Khải huyền 12:10, và nó cho thấy sự kiêu ngạo của nó, như được viết trong Ê-sai 14:13–14. Thật ngạc nhiên khi thấy Sa-tan thách thức Đức Chúa Trời như thế nào; nó không ngần ngại đối đầu với Đấng Tối Cao. Lời tường thuật trong sách Gióp cho thấy Sa-tan đúng như bản chất của nó—kiêu ngạo và xấu xa đến tận cùng.

Có lẽ bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ sách Gióp là Đức Chúa Trời không phải giải thích cho bất kỳ ai về những gì Ngài làm hoặc không làm. Kinh nghiệm của Gióp dạy chúng ta rằng có thể chúng ta không bao giờ biết lý do cụ thể của những đau khổ mà chúng ta phải trải qua, nhưng chúng ta phải tin cậy nơi Đức Chúa Trời tối cao, thánh khiết, công chính của mình. Đường lối Ngài là trọn vẹn (Thi Thiên 18:30). Vì đường lối của Đức Chúa Trời là hoàn hảo nên chúng ta có thể tin tưởng rằng bất cứ điều gì Ngài làm—và bất cứ điều gì Ngài cho phép xảy ra—cũng đều hoàn hảo. Chúng ta không thể mong đợi hiểu được ý định của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo, như Ngài nhắc nhở chúng ta: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” (Ê Sai 55:8–9).

Trách nhiệm của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là vâng lời Ngài, tin cậy Ngài và tuân theo ý muốn của Ngài, cho dù chúng ta có hiểu hay không. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa trong hoặc sau khi trải qua những thử thách. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự vĩ đại của Đức Chúa Trời chúng ta, và chúng ta sẽ nói với Gióp rằng: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài.” (Gióp 42:5).

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Gióp?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries