settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta học được gì từ cuộc đời của Giô-suê?

Trả lời


Giô-suê được biết đến nhiều nhất với tư cách là người chỉ huy thứ hai của Môi-se, người tiếp quản và dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa sau khi Môi-se qua đời. Giô-suê được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất trong Kinh Thánh vì đã lãnh đạo cuộc chinh phục Đất Hứa kéo dài bảy năm và thường được coi là hình mẫu cho sự lãnh đạo và là nguồn áp dụng thực tế về cách trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả. Chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống của ông từ góc độ Kinh thánh.

Với tư cách là một nhà lãnh đạo quân sự, Giô-suê được coi là một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng sẽ là một sai lầm nếu chỉ ghi nhận chiến thắng của Y-sơ-ra-ên là nhờ kỹ năng của Giô-suê với tư cách là một tướng quân. Lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy Giô-suê là trong Xuất Ê-díp-tô Ký 17 trong trận chiến chống lại dân A-ma-léc. Xuất Ê-díp-tô Ký 17:13 cho chúng ta biết rằng Giô-suê "lấy lưỡi gươm đánh bại A-ma-léc và dân sự người", vì vậy chúng ta muốn kết luận ngay rằng bởi tài năng quân sự của Giô-suê đã cứu vãn tình hình. Nhưng trong đoạn này, chúng ta thấy một điều gì đó kỳ lạ xảy ra. Trong câu 11, chúng ta đọc: “Vả, hễ đang khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn”. Cuối cùng, cánh tay của Môi-se mỏi đến mức A-rôn và Hu-rơ lấy đá kê cho ông ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay ông lên. Do đó, chúng ta thấy trong họa tiết này, Giô-suê thắng thế vì Đức Chúa Trời đã giao trận chiến cho ông.

Điều này cũng có thể nói về những chiến thắng quân sự ở Đất Hứa. Chúa đã hứa chắc chắn sẽ chiến thắng và thực hiện nó một cách thuyết phục. Ngoại lệ duy nhất là trong trận chiến thành A-hi (Giô-suê 7). Có một số điều cần lưu ý về sự cố này. Dân Y-sơ-ra-ên đã bội tín với Đức Chúa Trời “về vật đáng diệt” (Giô-suê 7:1). Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải hủy diệt mọi thứ (Giô-suê 6:17), nhưng A-can đã giữ lại một số chiến lợi phẩm thu được từ trận chiến Giê-ri-cô cho riêng mình. Vì điều này, Đức Chúa Trời đã phán xét họ bằng cách không ban cho họ chiến thắng tại A-hi. Một điều khác cần lưu ý là không có mệnh lệnh rõ ràng nào của Đức Chúa Trời để đi lên đánh thành A-hi. Mục đích của việc đặt hai câu chuyện trận chiến này cạnh nhau là để cho thấy rằng khi Đức Chúa Trời sắp đặt kế hoạch và chương trình hành động, chiến thắng sẽ theo sau, nhưng khi con người lập kế họach và chương trình hành động, thì thất bại sẽ xảy ra. Giê-ri-cô là trận chiến của Đức Chúa Trời; A-hi không phải. Đức Chúa Trời đã cứu vãn tình hình và cuối cùng đã ban cho họ chiến thắng, nhưng chỉ đến sau khi họ nhận được bài học khách quan.

Có thể thấy thêm bằng chứng về phẩm chất lãnh đạo của Giô-suê qua đức tin vững chắc của ông nơi Đức Chúa Trời. Khi dân Y-sơ-ra-ên ở bên ngoài Đất Hứa trong Dân số ký 13, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Môi-se cử mười hai người do thám vùng đất, mỗi một chi phái trong Y-sơ-ra-ên phải cử một người đi. Khi trở về, mười người báo cáo rằng vùng đất này, mặc dù rất đượm sửa và mật như Chúa đã hứa, nhưng đã bị chiếm đóng bởi những chiến binh mạnh mẽ và hung dữ cư ngụ trong những thành lớn, kiên cố. Hơn nữa, Nephilim (những người khổng lồ theo quan điểm của người Y-sơ-ra-ên) đã ở trong vùng đất này. Giô-suê và Ca-lép là hai người duy nhất thúc giục dân chúng chiếm lấy xứ (Dân số ký 14:6-10). Ở đây, chúng ta thấy một điều khiến Giô-suê (và Ca-lép) khác biệt với những người Y-sơ-ra-ên còn lại—họ tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời. Họ không bị đe dọa bởi số đông các chiến binh hay sự kiên cố của các thành. Đúng hơn, họ biết Đức Chúa Trời của họ và nhớ cách Ngài đã đối phó với Ai Cập, quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất vào thời điểm đó. Nếu Đức Chúa Trời đã đánh thắng đội quân hùng mạnh của Ai Cập, thì chắc chắn Ngài có thể đối phó với các chi phái Ca-na-an khác. Đức Chúa Trời ban thưởng cho đức tin của Giô-suê và Ca-lép bằng cách miễn trừ họ khỏi toàn bộ thế hệ dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị diệt vong trong đồng vắng.

Chúng ta thấy lòng trung tín của Giô-suê trong hành động vâng phục hiến dâng dân sự trước khi tiến vào Đất Hứa và một lần nữa sau khi bị đánh bại ở thành A-hi. Nhưng lòng trung thành của Giô-suê được phô bày rõ ràng hơn hết ở cuối sách mang tên ông khi ông tập hợp dân sự lại với nhau lần cuối và kể lại những việc làm thay cho họ của Đức Chúa Trời. Sau bài phát biểu đó, Giô-suê kêu gọi dân chúng từ bỏ các thần tượng của họ và trung thành với giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với họ tại Si-nai, ông nói: “Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15).

Vậy chúng ta học được gì từ cuộc đời của Giô-suê? Chúng ta có thể rút ra những nguyên tắc lãnh đạo từ cuộc đời của ông không? Chắc chắn là có. Việc Đức Chúa Trời ban cho ông chiến thắng trong việc tiến chiếm Đất Hứa không tước đi quyền lãnh đạo quân sự của ông. Hơn nữa, ông là một nhà lãnh đạo có nhiều khả năng cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng kỹ năng lãnh đạo của ông không phải là bài học chính mà chúng ta nên rút ra bài học từ cuộc đời của Giô-suê. Một bài học tốt hơn sẽ là lòng trung thành của Giô-suê, lập trường của ông chống lại mười người do thám, những người đã đưa báo cáo miệt thị về những trở ngại trong việc chiếm lấy Đất Hứa, và lòng sốt sắng của ông trong việc đảm bảo sự trung tín của dân sự trong giao ước. Nhưng ngay cả đức tin của ông cũng không hoàn hảo. Có một thực tế là Giô-suê đã sai người đến do thám thành Giê-ri-cô mặc dù Đức Chúa Trời đã bảo đảm chiến thắng, và sau đó là sự tự tin thái quá mà ông thể hiện trong trận chiến thành A-hi.

Bài học chính rút ra từ cuộc đời của Giô-suê là Đức Chúa Trời thành tín với những lời hứa của Ngài. Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham rằng dòng dõi của ông sẽ sinh sống trên đất này, và dưới thời Giô-suê, Đức Chúa Trời đã đưa dân sự vào vùng đất mà Ngài đã hứa ban cho họ. Hành động này đã hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc mà Đức Chúa Trời đã bắt đầu với Môi-se khi đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Đó cũng là một cách chỉ về sự cứu chuộc tối hậu mà Chúa Giê-su đã đem đến cho cộng đồng đức tin. Giống như Môi-se, Chúa Giê-su đã giải cứu chúng ta khỏi ách nô lệ và làm nô lệ cho tội lỗi, và giống như Giô-suê, Chúa Giê-su sẽ đưa chúng ta vào Đất Hứa đời đời và được yên nghỉ trong ngày Sa-bát đời đời (Hê-bơ-rơ 4:8-10).

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta học được gì từ cuộc đời của Giô-suê?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries