settings icon
share icon
Câu hỏi

Giăng Mác trong Kinh Thánh là ai?

Trả lời


Giăng Mác, thường được gọi là Mác, là tác giả của Phúc âm Mác. Ông là một tín đồ trong Hội Thánh đầu tiên được nhắc đến chủ yếu trong sách Công vụ. Lần đầu tiên Giăng Mác được nhắc đến là con trai của một người phụ nữ tên là Ma-ri (Công vụ 12:12), ngôi nhà của bà được dùng làm nơi để các tín đồ nhóm lại cầu nguyện. Sau đó, Mác được nhắc đến như là một người bạn đồng hành của Ba-na-ba và Phao-lô trong những hành trình cùng nhau của họ (Công vụ 12:25). Giăng Mác cũng là anh họ của Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10).

Giăng Mác là người giúp đỡ trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô và Ba-na-ba (Công vụ 13:5). Tuy nhiên, ông đã không ở lại suốt chuyến đi. Giăng Mác đã rời bỏ Phao-lô và Ba-na-ba ở Bam-phi-ly và từ bỏ công việc (Công vụ 15:38). Kinh Thánh không nói lý do tại sao Mác lại rời bỏ, nhưng ông đã ra đi ngay sau một thời gian hầu như không có kết quả ở đảo Chíp-rơ (Công vụ 13:4–12). Chỉ có một sự cải đạo được ghi nhận ở Chíp-rơ, nhưng đã có sự phản đối mạnh mẽ của ma quỷ. Có thể chàng trai trẻ Giăng Mác đã nản lòng trước chặng đường khó khăn và quyết định quay trở lại cuộc sống tiện nghi ở nhà.

Một thời gian sau, sau khi Phao-lô và Ba-na-ba trở về từ chuyến truyền giáo lần thứ nhất, Phao-lô đã bày tỏ mong muốn được quay lại gặp anh em ở các thành phố mà họ đã đến thăm trước đó để xem mọi người thế nào (Công vụ 15:36). Ba-na-ba đồng ý nhưng dường như với điều kiện là họ phải đưa Giăng Mác đi cùng. Tuy nhiên, Phao-lô đã từ chối đưa Mác đi cùng với lý do là Mác đã rời bỏ họ trước đó. Phao-lô và Ba-na-ba “có sự cãi lẫy nhau dữ dội” về Giăng Mác (Công vụ 15:39) đến nổi hai người phân rẽ nhau và đi những hành trình riêng biệt. Ba-na-ba đem Giăng Mác theo đến đảo Chíp-rơ, còn Phao-lô đem Si-la đi cùng qua Sy-ri và Si-li-si để khích lệ các tín đồ trong các Hội Thánh ở những vùng đó (Công vụ 15:39–41).

Ba-na-ba, “con trai của sự yên ủi” (Công vụ 4:36), mong muốn tha thứ cho thất bại của Giăng Mác và cho ông một cơ hội khác. Phao-lô có quan điểm hợp lý hơn: công việc truyền giáo tiên phong đòi hỏi sự tận tâm, kiên quyết và nhẫn nại. Phao-lô coi Giăng Mác là một mối nguy hiểm cho sứ mệnh của họ. Lu-ca, tác giả sách Công vụ, không đứng về phía nào hoặc cho rằng Phao-lô hay Ba-na-ba là đúng. Ông chỉ đơn giản là ghi lại sự thật. Điều đáng chú ý là cuối cùng, có hai nhóm giáo sĩ được phái đi—gấp đôi số lượng giáo sĩ đi truyền bá phúc âm.

Giăng Mác đi thuyền đến đảo Chíp-rơ cùng với người anh họ Ba-na-ba, nhưng đó không phải là kết thúc câu chuyện của ông. Nhiều năm sau, ông ở với Phao-lô, người gọi ông là “bạn cùng làm việc” (Phi-lê-môn 1:24). Và gần cuối đời Phao-lô, từ một nhà tù ở Rô-ma, Phao-lô gửi lời yêu cầu đến Ti-mô-thê: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” (2 Ti-mô-thê 4:11). Rõ ràng, Giăng Mác đã trưởng thành theo năm tháng và trở thành đầy tớ trung thành của Chúa. Phao-lô đã nhận ra sự tiến bộ của Giăng Mác và coi ông là một người bạn đồng hành quý giá.

Giăng Mác đã viết sách Phúc âm mang tên ông vào khoảng giữa năm 55 và 59 sau Công Nguyên. Có thể có một sự ám chỉ đến Giăng Mác trong Mác 14:51–52. Trong phân đoạn đó, một thanh niên, bị đánh thức khỏi giấc ngủ vào đêm Chúa Giê-su bị bắt, đã tìm cách đi theo Ngài, và đám đông đang giam giữ Chúa Giê-su cố gắng bắt giữ anh ta. Chàng trai trốn thoát và chạy trốn vào màn đêm. Sự việc này chỉ được ghi lại trong sách Phúc âm Mác - và việc chàng trai trẻ này được giấu tên - đã khiến một số học giả phỏng đoán rằng chàng trai trẻ đang bỏ trốn thực sự là Giăng Mác.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Giăng Mác trong Kinh Thánh là ai?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries