settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Gia-cốp?

Trả lời


Cuộc đời của Gia-cốp bắt đầu bằng một sự tranh cạnh. Là anh em sinh đôi trong bụng mẹ với Ê-sau, cậu bé đã tranh giành vị trí và khi sinh ra đã nắm lấy gót chân của anh trai mình. Tên của Gia-cốp được dịch là “kẻ lừa dối” (Sáng thế ký 25:26). Khi Rê-bê-ca mang thai đôi, bà đã hỏi Đức Chúa Trời là chuyện gì đang xảy ra với bà, Chúa nói với bà rằng hai nước trong bụng bà sẽ chia rẽ. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục tùng đứa nhỏ (Sáng thế ký 25:23).

Gia-cốp và Ê-sau cùng nhau lớn lên và sống một cuộc sống du mục. Ê-sau trở thành một thợ săn giỏi và thích ở ngoài đồng trong khi Gia-cốp "hiền lành cứ ở lại trại" (Sáng-thế Ký 25:27). Ê-sau, là một thợ săn, được cha yêu thích vì Y-sác thích ăn thịt rừng mà Ê-sau mang về nhà, trong khi Gia-cốp thì được mẹ yêu quý. (Sáng thế ký 25:28). Sự thiên vị tai hại này đã duy trì đến thế hệ tiếp theo, đáng chú ý nhất là với Giô-sép, con trai của Gia-cốp. Sự thiên vị của Gia-cốp dành cho Giô-sép khiến các anh của ông vô cùng oán giận và khiến Giô-sép suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Khi Y-sác đã già và mắt mờ dần, ông nghĩ rằng mình sắp chết và đã dàn xếp với Ê-sau để chúc phước cho vì Ê-sau là đứa con trai đầu lòng (Sáng thế ký 27:1-4). Khi nghe điều này, Rê-bê-ca đã nghĩ ra một kế hoạch lừa Y-sác để thay vào đó chúc phước cho Gia-cốp. Do đó, Gia-cốp đã nhận được phước lành của cha mình thay vì Ê-sau. Ê-sau thề rằng ông sẽ giết Gia-cốp ngay khi thời gian để tang của cha ông kết thúc (Sáng thế ký 27:41). Nhưng kết cục, Y-sác đã không chết, ông sống thêm trong khoảng hai mươi năm nữa (Sáng thế ký 35:27–29).

Tuy nhiên, Rê-bê-ca biết được kế hoạch của Ê-sau và cảnh báo cho Gia-cốp. Rê-bê-ca cũng nói với Y-sác rằng Gia-cốp nên tìm cho mình một người vợ trong dân tộc của mình, vì vậy Y-sác đã gửi Gia-cốp đến với cậu của mình là La-ban, sống tại quê hương của họ ở Pha-đan A-ram (Sáng thế ký 27:43). Trong cuộc hành trình của Gia-cốp, ông đã mơ thấy một chiếc thang lên tận trời và các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên xuống trên thang đó. Hình ảnh này được nhắc lại trong lời Chúa Giê-su nói với Na-tha-na-ên môn đồ của Ngài (Giăng 1:51). Đức Chúa Trời ban cho Gia-cốp sự đảm bảo về sự hiện diện của Ngài và nhắc lại lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 28:13-15). Rồi Gia-cốp đổi tên nơi này thành “Bê-tên”, nghĩa là “nhà của Đức Chúa Trời”, và ông hứa nguyện sẽ phụng sự Đức Chúa Trời.

Sau khi Gia-cốp định cư ở Pha-đan A-ram, La-ban đề nghị trả công cho công việc chăn cừu mà ông đã làm. Gia-cốp đề nghị làm việc cho Laban trong bảy năm để đổi lấy Ra-chên, con gái của La-ban, người mà ông yêu. Tuy nhiên, Gia-cốp cũng bị La-ban, cậu của mình lừa gạt giống như ông đã từng làm. Vào đêm tân hôn của Gia-cốp, La-ban đã thay Ra-chên thành Lê-a, con gái lớn của mình (Sáng thế ký 29:23-25). Nhưng La-ban cũng đồng ý gả Ra-chên cho Gia-cốp với điều kiện ông phải ở một tuần với Lê-a trước khi lấy Ra-chên làm vợ và phải làm việc cho La-ban thêm bảy năm nữa. Gia-cốp đồng ý với kế hoạch này. Trong khi cả hai người phụ nữ là vợ của Gia-cốp thì ông yêu Ra-chên hơn Lê-a (Sáng thế ký 29:30), nguồn gốc của xung đột gia đình lại tiếp tục xảy ra.

Trong khi Ra-chên bị hiếm muộn, thì Lê-a sinh con trai đầu lòng cho Gia-cốp là Ru-bên. Sau đó là sự ra đời của mười một người con trai nữa từ Lê-a, Ra-chên và hai người hầu gái của họ. Những người con trai này sẽ là tổ phụ của mười hai chi tộc Y-sơ-ra-ên. Sau khi sinh Giô-sép – đứa con thứ 11 và cũng là đứa con đầu lòng của Ra-chên, Gia-cốp xin La-ban trở về quê hương. La-ban yêu cầu Gia-cốp ở lại và định công giá cho ông. Gia-cốp chỉ yêu cầu những con chiên và dê có đốm và có sọc từ tất cả đàn của La-ban mà ông chăn nuôi, để làm đàn của riêng mình. Không rõ nó hoạt động như thế nào hoặc tại sao, nhưng Gia-cốp đã đặt những nhành cây để chúng ngó thấy khi giao phối, và rồi chúng sinh ra những con chiên có đốm và sọc. Gia-cốp chỉ làm điều này với những con vật khỏe mạnh để đàn gia súc của ông phát triển mạnh mẽ trong khi đàn gia súc của La-ban yếu ớt (Sáng thế ký 30:31–43). Gia-cốp nhận ra rằng thái độ của La-ban và các con trai của La-ban đối với ông đã thay đổi. Đó là lúc Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Gia-cốp trở về xứ của tổ phụ kèm theo lời hứa của Ngài: “Ta sẽ ở cùng ngươi” (Sáng thế ký 31:3). Gia-cốp rời Pha-đan A-ram, mang theo vợ con và tất cả đàn gia súc lớn mà ông đã gây dựng được. Khi La-ban biết Gia-cốp bỏ đi, thì liền đuổi theo. Nhưng Đức Chúa Trời phán với La-ban trong một giấc mơ rằng "Hãy cẩn thận, đừng nói điều gì lành hay dữ với Gia-cốp" (Sáng thế ký 31:24). La-ban đã hỏi Gia-cốp tại sao ông bí mật rời đi và nói về khả năng làm hại Gia-cốp nếu đó không phải là lời cảnh báo của Đức Chúa Trời. La-ban cũng buộc tội Gia-cốp ăn cắp các pho tượng của gia đình mình. Tiếp tục di sản của sự lừa dối, Ra-chên, người đã lấy các pho tượng mà Gia-cốp không hề hay biết, đã giấu chúng khỏi cha cô. Laban và Gia-cốp cuối cùng chia tay nhau sau khi kết ước sẽ không xâm chiếm đất đai của nhau.

Kế đến, Gia-cốp phải đối mặt với anh trai mình là Ê-sau. Dù hai mươi năm đã trôi qua kể từ lần cuối họ gặp nhau, ký ức về việc Ê-sau dọa giết Gia-cốp vẫn chưa bao giờ rời xa ông (Sáng-thế Ký 32:11). Gia-cốp cử sứ giả đi trước mang theo quà, dặn họ nói với Ê-sau rằng ông đang theo sau. Các sứ giả trở lại báo cho Gia-cốp biết rằng Ê-sau cùng với bốn trăm người sẽ đến gặp ông. Sợ rằng Ê-sau sẽ đến tiêu diệt mình, Gia-cốp chia gia đình thành hai nhóm, hy vọng ít nhất một nhóm có thể thoát khỏi cuộc tấn công. Gia-cốp cầu xin Đức Chúa Trời cứu ông, nhắc Đức Chúa Trời rằng Ngài đã sai Gia-cốp trở về xứ Áp-ra-ham và hứa ban cho ông sự thịnh vượng và dòng dõi đông đúc (Sáng thế ký 32:9–12). Gia-cốp đã chọn nhiều quà tặng hơn cho Ê-sau, mà ông đã gửi đi trước cùng với những người hầu theo từng đợt, với hy vọng sẽ làm Ê-sau nguôi giận. Đêm đó, Gia-cốp đã đưa vợ và hai người hầu cùng các con trai mình đi. Khi ở một mình, vào lúc nửa đêm và lo sợ cho mạng sống của mình, Gia-cốp đã vật lộn với một người mà sau này ông mới biết đó là Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 32:22-31). Người này đánh vào xương hông của Gia-cốp khiến nó bị trặc, đến sáng, Gia-cốp vẫn không chịu để người đi. Ông đã cầu xin một phước lành và được cho biết: “Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng” (Sáng thế ký 32:28). Gia-cốp hỏi tên người và sau đó hiểu rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Gia-cốp đặt tên cho nơi này là Phê-ni-ên, vì nhận ra rằng ông đã nhìn thấy Chúa và Ngài đã tha mạng cho ông. Trận đấu vật và cái tên mới này đã đánh dấu một khởi đầu mới cho Gia-cốp.

Cuộc hội ngộ với Ê-sau không phải là cuộc tấn công mà ông đã lo sợ: "Ê-sau chạy đến trước mặt người, ôm choàng cổ mà hôn, rồi hai anh em đều khóc.” (Sáng-thế Ký 33:4). Ê-sau đề nghị đi cùng Gia-cốp suốt quãng đường còn lại. Gia-cốp từ chối, với lý do gia đình mình quá đông. Gia-cốp cũng từ chối lời đề nghị của Ê-sau để lại một số người tùy tùng của mình cho Gia-cốp. Có vẻ như Gia-cốp không hoàn toàn tin tưởng anh trai mình là Ê-sau, và vì vậy, thay vì gặp Ê-sau ở Sê-i-rơ, Gia-cốp đã đưa gia đình mình đi một con đường khác, nơi cuối cùng họ mua một mảnh đất và định cư ở Ên-ên-ô-hê Y -sơ-ra-ên hay còn được gọi “Đức Chúa Trời là Chúa của Y-sơ-ra-ên.” Mặc dù ông đã được đặt một cái tên mới, nhưng Gia-cốp, kẻ lừa dối vẫn cảnh giác với những người khác có thể đang cố lừa dối ông. Ở đây chúng ta thấy rằng tâm trí của kẻ âm mưu lừa dối luôn nghi ngờ động cơ của người khác và không bao giờ được yên nghỉ hoàn toàn.

Sáng thế ký 34 ghi lại việc người con gái duy nhất của Gia-cốp là Đi-na bị hãm hiếp, và sự trả thù của Si-mê-ôn và Lê-vi với dân thành đó. Một lần nữa, chúng ta thấy sự quỷ quyệt của cha mẹ được truyền sang con cái như thế nào theo cách lừa dối mà chúng đã chiến thắng kẻ thù của mình. Gia-cốp tức giận với các con trai của mình và vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, ông đã bắt gia đình trở lại Bê-tên (Sáng thế ký 35:1), nơi Đức Chúa Trời đã hiện ra với Gia-cốp và ban phước cho ông (Sáng thế ký 35:9-13). Trong cuộc gặp gỡ của Gia-cốp với Đức Chúa Trời, ông đã nhận được lời hứa rằng các vua và nhiều quốc gia sẽ đến từ ông và vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa với tổ phụ ông sẽ là sản nghiệp của ông (Sáng thế ký 35:11-12).

Sau đó Gia-cốp và gia đình chuyển từ Bê-tên đến Ê-đe. Trên đường đi, Ra-chên hạ sinh đứa con trai thứ hai, đứa con thứ mười hai của Gia-cốp tên là Bên-gia-min. Và Ra-chên đã qua đời khi sinh con. Gia-cốp được đoàn tụ với cha mình là Y-sác tại Mam-rê. Khi cha ông qua đời, cả Gia-cốp và Ê-sau đều lo chôn cất ông.

Giống mẹ mình, Gia-cốp cũng có những người yêu thích. Ra-chên là người vợ ông yêu quý, và ông rất yêu các con của bà—Giô-sép và Bên-gia-min. Trên thực tế, Giô-sép được ưu ái đến nỗi các anh của ông ghen tị và bán ông làm nô lệ. Nhưng Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép, và cuối cùng ông sống tốt ở Ai Cập và giải cứu gia đình mình, kể cả Gia-cốp, khỏi nạn đói. Gia-cốp chết ở Ai Cập và được ướp xác theo yêu cầu của Giô-sép (Sáng thế ký 49:29—50:3). Giô-sép và các anh đưa xác Gia-cốp về Ca-na-an để chôn cùng với Áp-ra-ham, Sa-ra, Y-sác, Rê-bê-ca và Lê-a. Trước khi qua đời, Gia-cốp đã chúc phước cho mười hai người con trai của mình và yêu cầu được chôn cất trong hang đá mà Áp-ra-ham đã mua để làm mộ địa. Gia-cốp cũng chúc phước cho hai con trai của Giô-sép, ban phước lành cho đứa con cả. Không giống như cha mình Y-sác, người đã bị lừa khi ban phước lành con đầu lòng cho Gia-cốp, Gia-cốp đã đặt chéo tay để ban phước lành khác thường một cách có chủ đích cho hai con của Giô-sép (Sáng Thế Ký 48:12-14).

Những điểm giống nhau trong cuộc đời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp thật đáng chú ý. Trong những câu chuyện của họ, chúng ta thấy tầm quan trọng của gia đình và tầm quan trọng của việc làm gương. Các chủ đề như lừa dối, thiên vị, xung đột gia đình, phước lành, hòa giải và đức tin được nhắc đến xuyên suốt các câu chuyện. Chủ yếu, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời thành tín với lời hứa của Ngài. Ngài chọn hoàn thành mục đích vương quốc của Ngài thông qua những con người tội lỗi sẵn sàng tin Ngài. Ngài có thể làm cho những người tội lỗi đó trở nên mới—ban cho Áp-ram tên mới là Áp-ra-ham, Gia-cốp tên mới là Y-sơ-ra-ên, và làm cho những ai tin vào Chúa Giê-su Christ trở thành tạo vật mới (2 Cô-rinh-tô 5:17). Mặc dù những thói quen tội lỗi của chúng ta vẫn có thể làm chúng ta đau khổ, nhưng trong Đấng Christ, chúng ta tìm thấy sự tha thứ cho các tội lỗi của mình cũng như sức mạnh để vượt qua. Chúng ta được mời tham dự vào công việc của Chúa trên đất. Chúng ta có những tên mới và có thể tin cậy vào những lời hứa của Đức Chúa Trời, Đấng hết lần này đến lần khác chứng tỏ Ngài luôn thành tín.

Tên của Gia-cốp, “kẻ lừa dối,” dường như mô tả phần lớn cuộc đời của ông. Nhưng ông cũng là Y-sơ-ra-ên, người mà Đức Chúa Trời đã hứa ban phước và Ngài vẫn thành tín với ông. Đức Chúa Trời hiện ra với Gia-cốp, và Gia-cốp tin lời hứa của Đức Chúa Trời. Bất chấp lỗi lầm của Gia-cốp, Đức Chúa Trời đã chọn ông làm lãnh đạo của một quốc gia vĩ đại vẫn mang tên ông ngày nay. Nhưng về điều này, không chắc là chúng ta biết nhiều về Gia-cốp, người dường như đang ở giữa các sự kiện trong khi những người đóng vai trò quan trọng là những người xung quanh ông. Ở Gia-cốp không có sự khôn ngoan hay dũng cảm lớn lao nào để nói đến, và chúng ta dễ bị cám dỗ xem ông chẳng khác gì công cụ thụ động của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta bị cám dỗ để nghĩ như thế và cũng cho rằng vì chúng ta không được chú ý khi thực hiện những công tác vĩ đại cho Đức Chúa Trời nên chúng ta không quan trọng đối với Ngài, thì chúng ta nên nhìn lại cuộc đời của Gia-cốp và biết rằng, dù chúng ta có lỗi lầm, thì Đức Chúa Trời có thể và sẽ vẫn sử dụng chúng ta trong kế hoạch của Ngài.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Gia-cốp?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries