settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta nên học điều gì từ cuộc đời của Gia-cơ, em phần xác Chúa Giê-su?

Trả lời


Gia-cơ là con trai của Ma-ri và Giô-sép và vì thế là em phần xác của Chúa Giê-su, là anh em ruột với Giô-sép, Si-môn, Giu-đe và các chị em của họ (Ma-thi-ơ 13:55). Trong các sách Phúc Âm, Gia-cơ được nhắc đến một đôi lần, nhưng tại thời điểm đó ông vẫn còn hiểu lầm về chức vụ của Chúa Giê-su và chưa tin nhận Ngài (Giăng 7:2-5). Gia-cơ trở thành một trong những chứng nhân đầu tiên về sự phục sinh của Chúa Giê-su (I Cô-rinh-tô 15:7). Sau đó ông ở lại tại thành Giê-ru-sa-lem và góp phần lập nên một nhóm tín hữu cùng cầu nguyện trên phòng cao (Công Vụ 1:14). Kể từ đó trở đi, vai trò của Gia-cơ tại hội thánh Giê-ru-sa-lem dần trở nên quan trọng.

Gia-cơ vẫn còn ở tại thành Giê-ru-sa-lem khi một Sau-lơ vừa mới cải đạo tìm đến để gặp ông và Phi-e-rơ (Ga-la-ti 1:19). Một vài năm sau đó, khi Phi-e-rơ đã thoát khỏi ngục, ông đã kể lại cho Gia-cơ rằng Chúa đã giải cứu mình cách nhiệm mầu thể nào (Công Vụ 12:17). Khi Giê-ru-sa-lem mở Giáo hội nghị, Gia-cơ hiển nhiên đóng vai trò chủ tọa (Công Vụ 15:13-21). Ông cũng là một trong các trưởng lão của hội thánh, còn được gọi là một “cột trụ” trong Ga-la-ti 2:9. Sau đó, Gia-cơ một lần nữa chủ trì một cuộc họp mặt tại Giê-ru-sa-lem, lần này là sau chuyến truyền giáo lần thứ 3 của Phao-lô. Người ta tin rằng Gia-cơ đã tuẩn đạo vào khoảng năm 62 SC, mặc dù không có ghi chép nào trong Kinh Thánh về sự qua đời của ông.

Gia-cơ là tác giả của thư tín Gia-cơ, được ông viết vào khoảng thời gian 50 và 60 Sau Công Nguyên. Gia-cơ tự xưng mình bằng tên nhưng chỉ đơn giản mô tả bản thân là một “đầy tớ của Đức Chúa Trời và của Chúa là Đức Chúa Giê-su Christ” (Gia-cơ 1:1). Bức thư của ông tập chú nhiều vào đạo đức Cơ Đốc hơn là thần học Cơ Đốc. Chủ đề của thư là sự bày tỏ của đức tin qua việc làm – là bằng chứng bên ngoài của một sự biến cải bên trong.

Học biết về cuộc đời của Gia-cơ đem đến cho chúng ta những bài học quan trọng. Sự cải đạo của ông là bằng chứng cho thấy việc được tận mắt chứng kiến Chúa Giê-su phục sinh có tác động mạnh mẽ như thế nào đến cuộc đời một con người: Gia-cơ thay đổi từ một người nghi ngờ sang một lãnh đạo của hội thánh dựa trên trải nghiệm được gặp gỡ chính Đấng Christ phục sinh của ông. Bài diễn thuyết của Gia-cơ tại Giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem trong Công Vụ 15:14-21 cho thấy sự tin cậy của ông vào Kinh Thánh, sự ao ước hòa bình trong hội thánh, nhấn mạnh vào ân điển vượt trên luật pháp, và sự quan tâm của ông đến các tín hữu ngoại quốc, mặc dù bản thân ông chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Cơ Đốc người Do Thái mà thôi. Một điểm đáng chú ý nữa đó là sự khiêm nhường của Gia-cơ – ông chưa bao giờ lạm dụng địa vị là em về phần xác của Chúa Giê-su như nền tảng cho thẩm quyền của mình. Ngược lại, Gia-cơ tự mô tả bản thân như là một “tôi tớ” của Chúa Giê-su không hơn không kém. Tóm lại, Gia-cơ đã là một lãnh đạo đầy ơn mà qua đó hội thánh Chúa nhận được sự chúc phước dư dật.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta nên học điều gì từ cuộc đời của Gia-cơ, em phần xác Chúa Giê-su?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries