settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Ê-xơ-tê?

Trả lời


Ê-xơ-tê là thiếu nữ Do Thái đã trở thành hoàng hậu của Ba Tư và bà đã giải cứu dân tộc của mình khỏi một âm mưu giết người nhằm tiêu diệt họ. Câu chuyện của bà được chép lại trong sách Cựu Ước mang tên bà. Lễ Purim hàng năm của người Y-sơ-ra-ên để kỷ niệm sự giải cứu đặc biệt này.

Câu chuyện về Ê-xơ-tê bắt đầu từ bữa tiệc của nhà vua. Vua A-suê-ru (còn gọi là Xerxes) là con trai của vị vua Ba Tư nổi tiếng Đa-ri-út I, người được nhắc đến trong Ê-xơ-ra 4:24; 5:5–7; 6:1–15; Đa-ni-ên 6:1, 25; A-ghê 1:15; và 2:10. Năm xảy ra sự việc giữa Ê-xơ-tê và vua A-suê-ru là vào khoảng năm 483 trước Công nguyên. Đế chế của Vua A-suê-ru rất rộng lớn; trên thực tế, nó là nước lớn nhất thế giới từng thấy. Ba Tư bao phủ khu vực ngày nay được gọi là Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như I-rắc, I-ran, Pa-kis-tan, Giô-đanh, Lê-ba-non và Y-sơ-ra-ên (Do Thái); nó cũng bao gồm các khu vực của Ai Cập, Su-đan, Libya và Ả Rập Sau-đi ngày nay.

Giống như hầu hết các vị vua ngoại đạo thời đó, Vua A-suê-ru thích phô trương sự giàu có và quyền lực của mình trước công chúng, trong đó có những bữa tiệc đôi khi kéo dài tới 180 ngày. Rõ ràng, trong bữa tiệc được đề cập trong Ê-xơ-tê 1:10–11, nhà vua đã yêu cầu vợ ông, hoàng hậu Vả-thi, đến trước toàn thể các quan chức để cho họ thấy vẻ đẹp tuyệt vời của bà khi đội vương miện. Người ta suy đoán rằng Vua A-suê-ru muốn hoàng hậu Vả-thi xuất hiện với chiếc vương miện. Hoàng hậu Vả-thi từ chối yêu cầu của nhà vua, và ông trở nên tức giận. Vua A-suê-ru đã tham khảo ý kiến của các cố vấn luật pháp, họ tuyên bố rằng hoàng hậu Vả-thi đã không đúng đắn về đạo lý với tất cả người dân trong xứ. Họ sợ rằng phụ nữ Ba Tư sẽ nghe được việc hoàng hậu Vả-thi không chịu vâng lời chồng và bắt đầu xem thường chồng mình. Họ đề nghị nhà vua ban hành một sắc lệnh khắp các vùng rằng Vả-thi không bao giờ có thể hiện diện trước mặt vua nữa. Nhà vua đã làm như vậy và ban hành sắc lệnh bằng tất cả các ngôn ngữ của các tỉnh.

Sau khi hoàng hậu Vả-thi bị phế vị, nhà vua không còn hoàng hậu. Những người hầu cận của vua A-suê-ru đề nghị ông nên tìm kiếm những trinh nữ xinh đẹp trong khắp các vùng để tìm một hoàng hậu mới. Giô-sê-phớt, nhà sử học Do Thái, ghi lại rằng Vua A-suê-ru đã chọn tổng cộng 400 người nữ vào hậu cung và làm ứng cử viên cho ngôi hoàng hậu mới (Ê-xơ-tê 2:1–4). Những người nữ này phải trải qua một năm chăm sóc sắc đẹp trước khi gặp nhà vua (câu 12). Ê-xơ-tê, một người nữ Y-sơ-ra-ên có tên tiếng Do Thái là Ha-đa-xa, được chọn là một trong những trinh nữ (câu 8).

Cho đến thời điểm các trinh nữ được đưa đến gặp vua, họ được giữ trong hậu cung dưới sự chăm sóc của Hê-gai (Ê-xơ-tê 2:8); Sau cuộc gặp gỡ của họ, vì không còn trinh nữ, họ được chuyển đến khu vực dành riêng cho các thê thiếp - hoặc tình nhân - nơi họ được đặt dưới sự giám sát của một hoạn quan khác, tên là Sa-ách-ga (câu 14).

Ê-xơ-tê đã sống ở kinh thành Su-sa, nơi nhà vua cũng ở. Bà là em họ của một người Bên-gia-min tên là Mạc-đô-chê, ông cũng là người giám hộ của bà, đã nhận bà làm con gái của mình khi cha mẹ bà qua đời. Mạc-đô-chê nắm giữ một số chức vụ chính thức trong chính quyền Ba Tư (Ê-xơ-tê 2:19). Khi Ê-xơ-tê được chọn làm ứng viên cho ngôi hoàng hậu, Mạc-đô-chê đã dặn bà không được tiết lộ nguồn gốc Y-sơ-ra-ên của mình (câu 10). Ông cũng đến thăm hậu cung của nhà vua hàng ngày để xem Ê-xơ-tê thế nào (câu 11).

Khi đến lượt Ê-xơ-tê được hầu cận nhà vua, "nàng chẳng cầu xin gì hết, ngoại trừ điều Hê-gai, hoạn quan vua, thái-giam các phi tần, đã định cho”. Bây giờ "Ê-xơ-tê được ơn trước mặt mọi người thấy nàng" (Ê-xơ-tê 2:15). Bà cũng giành được sự sủng ái của nhà vua: “Vua thương mến Ê-xơ-tê nhiều hơn các cung nữ khác, và nàng được ơn trước mặt vua hơn những người nữ đồng trinh”, vua phong bà làm hoàng hậu (Ê-xơ-tê 2:17). Có vẻ như Ê-xơ-tê, ngoài việc có “tốt tươi hình dạng” (câu 7), còn phục tùng theo lời khuyên của những cố vấn khôn ngoan và khá thu hút về mọi mặt. Khi câu chuyện tiến triển, người ta cũng thấy rõ rằng Đức Chúa Trời đã hành động trong toàn bộ quá trình.

Một thời gian sau, Mạc-đô-chê đang ngồi ở cổng nhà vua và tình cờ nghe được một âm mưu ám sát vua A-suê-ru. Ông liền báo cáo việc đó với Hoàng hậu Ê-xơ-tê, là người đã báo cáo việc đó với nhà vua và ghi công cho Mạc-đô-chê. Âm mưu đã bị thất bại nhưng sự kiện phần lớn bị lãng quên (Ê-xơ-tê 2:21–23). Trong sự kiện này, chúng ta thấy mối liên hệ liên tục của Ê-xơ-tê với Mạc-đô-chê cũng như tính chính trực của bà. Cả Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê đều tôn trọng nhà vua và muốn bảo vệ ông khỏi kẻ thù.

Sau việc đó, nhà vua bổ nhiệm một kẻ độc ác phụ trách công việc của mình. Tên hắn là Ha-man, và hắn khinh thường dân Y-sơ-ra-ên. Ha-man là hậu duệ của A-ga, vua của dân A-ma-léc, một dân tộc là kẻ thù không đội trời chung của người Y-sơ-ra-ên trong nhiều thế hệ (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:14–16), và sự cố chấp cũng như thành kiến chống lại dân Y-sơ-ra-ên đã ăn sâu vào tấm lòng đen tối của Ha-man. Với tính kiêu ngạo của mình, Ha-man đã ra lệnh cho các quan chức thần bộc hoàng gia ở cổng vua phải quỳ xuống và tôn vinh hắn, nhưng Mạc-đô-chê không cúi xuống, cũng không lạy hắn ta. Các quan chức thần bộc đã nói với Ha-man về điều này, chắc chắn sẽ nói với Ha-man rằng Mạc-đô-chê là người Y-sơ-ra-ên. Ha-man không chỉ muốn trừng phạt Mạc-đô-chê mà còn “tìm mưu giết hết thảy dân Giu-đa (Y-sơ-ra-ên), là tông tộc của Mạc-đô-chê, ở trong toàn nước A-suê-ru.” (Ê-xơ-tê 3:6). Vua A-suê-ru cho phép Ha-man làm theo ý mình trong vấn đề này, và một sắc lệnh được ban hành đến tất cả các tỉnh rằng vào một ngày nhất định, được chọn theo phương thức rút thăm, người dân sẽ "trừ diệt, giết chết và làm cho hư mất hết thảy dân Giu-đa trong một ngày đó, vô luận người già kẻ trẻ, con nhỏ hay là đàn bà" (Ê-xơ-tê 3:13). Dân chúng hoang mang và trong dân Y-sơ-ra-ên có sự thảm sầu (Ê-xơ-tê 3:15; 4:3).

Hoàng hậu Ê-xơ-tê không hề hay biết về âm mưu chống lại người Y-sơ-ra-ên, nhưng bà phát hiện ra khi các thị nữ và hoạn quan nói với bà rằng Mạc-đô-chê đang gặp nạn. Ê-xơ-tê đã gửi một sứ giả đến Mạc-đô-chê để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mạc-đô-chê gửi cho em họ của mình một bản sao chiếu chỉ và yêu cầu bà “vào cùng vua, trước mặt vua nài xin ơn vua và cầu khẩn dùm cho dân tộc mình” (Ê-xơ-tê 4:8). Bấy giờ, có luật không được phép vào gặp nhà vua khi không được triệu tập, và Ê-xơ-tê đã không được nhà vua mời đến trong ba mươi ngày qua. Thông qua người trung gian, Ê-xơ-tê báo với Mạc-đô-chê rằng bà dường như không thể giúp được. Mạc-đô-chê sai người đáp lại cùng bà Ê-xơ-tê rằng: "Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua, người sẽ được thoát khỏi phải hơn mọi người Giu-đa khác; vì nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?” (Ê-xơ-tê 4:13–14). Với sự thể hiện đức tin tuyệt vời, Ê-xơ-tê đã đồng ý. Bà yêu cầu dân Y-sơ-ra-ên kiêng ăn cho bà trong ba ngày trong khi bà và các người hầu gái cũng kiêng ăn. Bà nói: “như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết” (Ê-xơ-tê 4:16).

Khi Ê-xơ-tê đến gặp vua, bà đang mạo hiểm mạng sống của mình. Nhưng vua A-suê-ru “giơ ra cho bà Ê-xơ-tê cây phủ việt vàng ở nơi tay mình,” một dấu hiệu cho thấy vua chấp nhận sự hiện diện của bà (Ê-xơ-tê 5:2). Hôm đó bà mời vua A-suê-ru và Ha-man đến dự tiệc. Nhà vua gọi Ha-man đến dùng bữa và hỏi xem bà muốn gì, “Dầu đến phân nửa nước, cũng sẽ ban cho” (câu 6). Ê-xơ-tê mời hai người dự một bữa tiệc khác vào ngày hôm sau để bà trình bày yêu cầu của mình (câu 8). Họ đã đồng ý.

Đêm đó vua A-suê-ru khó ngủ và ra lệnh đọc ghi chép về triều đại của mình cho ông nghe. Thật đáng ngạc nhiên, câu chuyện mà vua nghe được là về việc Mạc-đô-chê phát hiện ra âm mưu ám sát và cứu mạng nhà vua. Trong khi đó, Ha-man về nhà, tụ tập bạn bè và vợ mình, kể cho họ nghe niềm vinh dự của mình. Nhưng trên đường về nhà hắn đã nhìn thấy Mạc-đô-chê, điều đó khiến tinh thần hắn sa sút. Vợ và bạn bè đề nghị Haman xây một giá treo cổ để treo Mạc-đô-chê (Ê-xơ-tê 5:9–14). Ha-man làm theo lời khuyên của họ và dựng lên giá treo cổ.

Ngay khi Vua A-suê-ru đang suy nghĩ về việc ông đã không tôn trọng Mạc-đô-chê vì hành động cứu mạng mình, Ha-man đã đến nói chuyện với nhà vua về việc treo cổ Mạc-đô-chê. Vua hỏi ý kiến của Ha-man về cách tôn vinh một người mà “vua muốn tôn trọng” (Ê-xơ-tê 6:6). Ha-man nghĩ rằng vua A-suê-ru đang ám chỉ mình nên đề nghị, hễ người nào vua muốn tôn trọng, khá đem cho áo triều của vua mặc, ngựa của vua cỡi, và đội mão triều thiên vua trên đầu người đó, và rao lên rằng: "Người mà vua muốn tôn trọng được đãi như vậy" (Ê-xơ-tê 6:9). Vua A-suê-ru liền ra lệnh cho Ha-man làm việc này ngay cho Mạc-đô-chê.

Ha-man vâng lời vua và tôn trọng người mà hắn ghét nhất. Sau đó hắn ta kể lại sự việc cho vợ và bạn hữu của mình. Với tầm nhìn xa hơn những gì họ có thể nhận ra, "Khi ấy các người khôn ngoan và Xê-rết, vợ người, nói rằng: Ông đã khởi mòi sa bại trước mặt Mạc-đô-chê rồi; nếu hắn quả thuộc về dòng dõi Giu-đa, thì ông sẽ chẳng thắng hẳn được đâu, nhưng sẽ sa bại quả hẳn trước mặt người" (Ê-xơ-tê 6:13). Các hoạn quan của vua đến và đưa Ha-man đến dự tiệc của Ê-xơ-tê (câu 14). Tại đó, Ê-xơ-tê nói với nhà vua rằng dân tộc của bà đã bị bán để bị tiêu diệt. Thể hiện sự tôn trọng và khiêm tốn tuyệt vời, Ê-xơ-tê nói rằng nếu họ chỉ bị bán làm nô lệ, bà sẽ giữ bình tĩnh, “mặc dầu kẻ thù nghịch chẳng bồi thường sự thiệt hại cho vua lại được” (Ê-xơ-tê 7:4). Vua rất kinh ngạc vì có người dám làm như vậy với thần dân của hoàng hậu (câu 5). Ê-xơ-tê đã tiết lộ kẻ đứng đằng sau âm mưu này cho vua biết “Kẻ cừu thù, ấy là Ha-man độc ác kia” (câu 6). Vua A-suê-ru giận dữ rời khỏi bữa tiệc. Ha-man ở lại cầu xin Ê-xơ-tê tha mạng. Khi nhà vua vào lại phòng và nhìn thấy điều này, ông nghĩ rằng Ha-man đang quấy rối Ê-xơ-tê và ra lệnh giết Ha-man trên chính giá treo cổ mà hắn đã dựng lên cho Mạc-đô-chê (câu 8–10).

Sau khi Ha-man chết, vua A-suê-ru trao cho Ê-xơ-tê toàn bộ tài sản của Ha-man và trao cho Mạc-đô-chê chiếc nhẫn có dấu hiệu của ông, về cơ bản trao cho Mạc-đô-chê quyền lực tương tự trong vương quốc mà Ha-man có trước đây. Tuy nhiên, sắc lệnh do Ha-man đưa ra là không thể hủy bỏ. Ê-xơ-tê một lần nữa cầu xin nhà vua can thiệp. Vua A-suê-ru ra lệnh viết một sắc lệnh khác để chống lại sắc lệnh đầu tiên: sắc lệnh này trao cho người Y-sơ-ra-ên quyền tự vệ trước bất kỳ ai tấn công họ. Bây giờ niềm vui khắp các tỉnh thành. Nhiều người thậm chí đã trở thành người Y-sơ-ra-ên vì sợ hãi. Một số kẻ thù đã tấn công vào ngày đã định trước đó, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng chúng (Ê-xơ-tê 8).

Lòng dũng cảm và đức tin nơi Chúa của Ê-xơ-tê là minh chứng cho sự tin cậy của người nữ trẻ này nơi Đức Chúa Trời hằng sống. Cuộc đời của bà là một bài học về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời đối với tạo vật của Ngài. Đức Chúa Trời vận dụng mọi khía cạnh của cuộc sống để định vị con người, quyền lực để lãnh đạo và các tình huống theo kế hoạch và mục đích của Ngài. Có thể chúng ta không biết Đức Chúa Trời đang làm gì vào một thời điểm cụ thể, nhưng có thể đến lúc chúng ta nhận ra tại sao mình đã trải qua những trải nghiệm nào đó, gặp những người nào đó hay sống ở những khu vực nhất định hoặc mua sắm ở những cửa hàng nhất định hoặc thực hiện những chuyến đi nhất định. Có thể sẽ đến lúc mọi thứ kết hợp lại với nhau, chúng ta nhìn lại và thấy rằng chúng ta cũng đã ở đúng nơi, đúng thời điểm, giống như Ê-xơ-tê. Bà đã ở trong hậu cung “trong lúc nầy đây”. Bà đã được phong làm hoàng hậu “trong lúc nầy đây”. Bà đã được củng cố và sẵn sàng cầu thay cho dân tộc mình “trong lúc nầy đây” (Ê-xơ-tê 4:14). Và bà đã trung thành vâng lời. Ê-xơ-tê tin cậy Chúa và phục vụ một cách khiêm nhường, bất chấp cái giá phải trả. Ê-xơ-tê thực sự là một lời nhắc nhở về lời hứa của Đức Chúa Trời, như được viết trong Rô-ma 8:28: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định”.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Ê-xơ-tê?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries