settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được bài học gì từ cuộc đời của Đa-vít?

Trả lời


Chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ cuộc đời của Đa-vít. Ông là người vừa lòng Đức Chúa Trời (1 Sa-mu-ên 13:13-14; Công vụ 13:22)! Chúng ta được giới thiệu về Đa-vít lần đầu tiên sau khi Sau-lơ, theo sự nài nỉ của dân sự, được phong làm vua (1 Sa-mu-ên 8:5, 10:1).Sau-lơ hoàn toàn không xứng đáng được xem là Vua bởi Đức Chúa Trời chọn. Trong khi Vua Sau-lơ đã mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, Đức Chúa Trời đã sai Sa-mu-ên đi tìm người chăn chiên được Ngài chọn, đó là Đa-vít, con trai của Gie-sê (1 Sa-mu-ên 16:10,13)

Đa-vít được cho là từ mười hai đến mười sáu tuổi khi ông được xức dầu lên làm Vua của Y-sơ-ra-ên. Ông là con út trong số các con trai của Gie-sê, và theo quan điểm của loài người thì việc ông được lựa chọn để làm Vua là một điều rất khó có thể xảy ra. Sa-mu-ên đã nghĩ rằng đó là Ê-li-áp, anh cả của Đa-vít, là người chắc chắn được xức dầu. Nhưng Đức Chúa Trời phán với Sa-mu-ên: “Đừng xét theo diện mạo và vóc dáng cao lớn của nó, vì Ta đã loại bỏ nó. Đức Giê-hô-va không xem theo cách loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa-mu-ên 16:7). Bảy người con trai của Gie-sê đã đi qua trước mặt Sa-mu-ên, nhưng Đức Chúa trời đã không chọn ai trong số họ, Sa-mu-ên hỏi Gie-sê: “Ông còn con trai nào nữa không?”. Gie-sê trả lời: “Còn một đứa con trai út, là Đa-vít, đang chăn chiên”. Vì vậy, họ cho gọi người con út về và Sa-mu-ên đã xức dầu cho Đa-vít.” Từ ngày đó trở đi, Thần của Đức Giê-hô-va cảm động Đa-vít (1 Sa-mu-ên 16:13).

Kinh Thánh cũng nói rằng, Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ, Đức Giê-hô-va sai một ác thần quấy rối ông (1 Sa-mu-ên 16:14). Các tôi tớ của Sau-lơ đã đề nghị một người chơi đàn, và một người đã tiến cử Đa-vít, nói rằng: “Tôi biết rằng một người con trai của Gie-sê, người Bết-lê-hem, đàn rất giỏi, là một dũng sĩ và là một chiến sĩ can trường. Chàng ăn nói khôn ngoan, diện mạo khôi ngô và Đức Giê-hô-va đã ở với chàng.” (1 Sa-mu-ên 16:18). Vì vậy, Đa-vít đến với Sau-lơ, và phục vụ Vua (1 Sa-mu-ên 16:21). Sau-lơ rất hài lòng với Đa-vít và ông trờ thành người vác khí giới cho Vua Sau-lơ.

Sự hài lòng của Sau-lơ đối với Đa-vít nhanh chóng tan biến khi năng lực và danh tiếng của Đa-vít ngày càng lẫy lừng. Có lẽ một trong những điều được biết đến nhiều nhất trong Kinh Thánh, là Đa-vít đã giết chết gã khổng lồ Gô-li-át. Người Phi-li-tin đã gây chiến với dân Y-sơ-ra-ên và chế nhạo đội quân của dân Y-sơ-ra-ên so với nhà vô địch của họ, là Gô-li-át. Họ đề xuất một cuộc đối đầu giữa Gô-li-át với bất cứ ai sẽ chiến đấu với hắn. Nhưng không một ai trong dân Y-sơ-ra-ên tình nguyện chiến đấu với gã khổng lồ. Sau khi Gô-li-át chế nhạo dân Y-sơ-ra-ên trong bốn mươi ngày, Đa-vít đã đến trận tuyến hỏi thăm các anh em của mình, là những người ở trong đội quân của Sau-lơ, và nghe những lời khoe khoang, thách thức của người Phi-li-tin. Người chăn chiên trẻ tuổi hỏi: “Người ta sẽ thưởng gì cho người giết được tên Phi-li-tin nầy, và cất bỏ sự sỉ nhục khỏi Y-sơ-ra-ên? Vì tên Phi-li-tin nầy, kẻ chẳng chịu cắt bì nầy là ai, mà lại dám thách thức đạo quân của Đức Chúa Trời hằng sống?” (1 Sa-mu-ên 17:26). Anh cả của Đa-vít nổi giận và buộc tội Đa-vít là kiêu ngạo, và chỉ muốn đến để xem trận chiến. Nhưng Đa-vít tiếp tục nói về vấn đề này.

Sau-lơ nghe những gì Đa-vít nói và đã sai người đi gọi ông. Đa-vít tâu với Sau-lơ: “ Xin đừng ai ngã lòng vì tên Phi-li-tin kia! Đầy tớ bệ hạ sẽ đi ra chiến đấu với hắn.” (1 Sa-mu-ên 17:32). Sau-lơ hoài nghi; Đa-vít không phải là một người lính chuyên nghiệp. Đa-vít đã cung cấp các thành tích của ông với tư cách là một người chăn chiên, thận trọng dành sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Đa-vít đã giết những con sư tử hay gấu đến tha con chiên trong bầy, và ông tuyên bố rằng người Phi-li-tin cũng sẽ bị chết như chúng vì hắn đã “dám thách thức đạo quân của Đức Chúa Trời hằng sống”. Đa-vít nói tiếp: “Đức Giê-hô-va đã giải cứu con khỏi vuốt sư tử và gấu, thì Ngài cũng sẽ giải cứu con khỏi tay tên Phi-li-tin kia” (1 Sa-mu-ên 17:36-37). Sau-lơ đã chấp thuận, với điều kiện là Đa-vít phải mặc áo giáp của Sau-lơ để chiến đấu. Nhưng Đa-vít không quen với bộ giáp và đã cởi bỏ nó lại. Đa-vít chỉ cầm một cây gậy trong tay, chọn dưới khe năm viên đá bóng nhẵn để trong túi chăn chiên và cái ná ném đá của ông, rồi xông tới tên Phi-li-tin. Tên Gô-li-át khinh thường Đa-vít nhưng Đa-vít cũng không sợ gã khổng lồ. Đa-vít nói với người Phi-li-tin rằng: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến với ta. Còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn quân mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo quân Y-sơ-ra-ên mà ngươi đã thách thức. Hôm nay, Đức Giê-hô-va phó ngươi vào tay ta.” (1 Sa-mu-ên 17:45-56). Sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời và lòng nhiệt thành của Đa-vít đối với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời thật phi thường. Đa-vít đã giết tên Gô-li-át. Sau đó, Đa-vít cũng tham gia phụng sự toàn thời gian cho Sau-lơ, không còn chăn chiên cho cha ông nữa.

Chính vào thời gian này, con trai của Sau-lơ, là Giô-na-than, “kết chặt tâm hồn với Đa-vít” (1 Sa-mu-ên 18:1). Tình bạn của Đa-vít và Giô-na-than là bài học cho tình bạn ngày nay. Mặc dù, cha của Giô-na-than là Vua, và ông sẽ là người thừa kế ngai vàng, nhưng Giô-na-than đã chọn ủng hộ Đa-vít. Giô-na-than hiểu và chấp nhận kế hoạch của Đức Chúa Trời và đã bảo vệ người bạn của mình khỏi người cha sát nhân (1 Sa-mu-ên 18:1-4, 19-20). Giô-na-than đã thể hiện sự khiêm nhường và tình yêu thương vị tha (1 Sa-mu-ên 18:3; 20:17). Dưới triều đại của Đa-vít, sau cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than, vì Giô-na-than nên Đa-vít đã tìm kiếm bất cứ ai trong nhà Sau-lơ còn sống sót để ông có thể bày tỏ lòng nhân từ cho người ấy (2 Sa-mu-ên 9:1). Rõ ràng, cả hai người đều rất quan tâm và tôn trọng lẫn nhau.

Sau vụ việc với Gô-li-át, danh tiếng của Đa-vít ngày càng lẫy lừng. Trong thành, các bài hát đang chế nhạo Sau-lơ và hạ thấp vua Sau-lơ, trong khi dân chúng ca ngợi Đa-vít, khiến Sau-lơ ghen tức dữ dội không bao giờ nguôi (1 Sa-mu-ên 18:7-8)

Sự ghen tị của Sau-lơ đối với Đa-vít đã làm ông trở thành sát nhân. Đầu tiên, ông cố giết Đa-vít dưới bàn tay của người Phi-li-tin bằng cách yêu cầu Đa-vít trở thành con rể của mình. Nhà Vua đã đề nghị gả con gái của mình để đổi lấy nghĩa vụ quân sự của Đa-vít. Đa-vít khiêm nhường từ chối. Tuy nhiên, đến lúc phải gả con gái cho Đa-vít thì nàng lại được gả cho một người khác (1 Sa-mu-ên 18:17-19). Người con gái khác của Sau-lơ, Mi-canh, yêu Đa-vít. Khi biết điều đó thì Sau-lơ đã hỏi lại Đa-vít. Đa-vít một lần nữa từ chối vì ông là một người nghèo và không đủ khả năng chi trả sính lễ cho con gái của một vị vua. Sau khi nghe câu trả lời của Đa-vít, Sau-lơ nói: “Vua không đòi sính lễ gì khác, chỉ đòi một trăm dương bì của người Phi-li-tin”, và hi vọng Đa-vít sẽ bị kẻ thù tàn sát. Khi Đa-vít giết hai trăm người Phi-li-tin, gấp đôi số sính lễ phải trả, Sau-lơ nhận ra rằng Đa-vít vượt trội, áp đảo mình, và Sau-lơ càng sợ Đa-vít hơn nữa (1 Sa-mu-ên 18:17-29). Giô-na-than và Mi-canh đã cảnh báo với Đa-vít về ý định giết ông của cha họ, và Đa-vít đã dành những năm tiếp theo của cuộc đời mình để chạy trốn khỏi nhà vua. Đa-vít đã viết một số bài hát trong thời gian này, bao gồm Thi Thiên 57, 59 và 142.

Mặc dù Sau-lơ không ngừng săn lùng với ý định giết ông, nhưng Đa-vít không bao giờ dám ra tay chống lại vua của mình và Đấng được xức dầu của Đức Giê-hô-va (1 Sa-mu-ên 19:1-2; 24:5-7). Khi Sau-lơ qua đời, Đa-vít thương tiếc Sau-lơ (2 Sa-mu-ên 1). Ngay cả khi Đa-vít biết mình là người được Đức Chúa Trời xức dầu, ông đã không cố gắng lên ngôi. Ông tôn vinh quyền tối thượng của Đức Chúa trời và tôn trọng những nhà cầm quyền hiện có của Đức Chúa Trời, và tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ứng nghiệm ý muốn của Ngài trong thời kỳ trị vì của Ngài.

Trong khi chạy trốn, Đa-vít đã gây dựng một đội quân hùng mạnh và với quyền năng từ Đức Chúa Trời đã đánh bại mọi kẻ cản đường mình, ông luôn luôn xin phép và cầu hỏi sự chỉ dẫn từ Đức Chúa Trời trước khi ra trận, một thói quen mà ông sẽ tiếp tục với tư cách là vua (1 Sa-mu-ên 23:2-6; 9-13; 2 Sa-mu-ên 5:22-23). Thời làm vua, Đa-vít vẫn duy trì là một chỉ huy quân sự và một người lính hùng mạnh. 2 Sa-mu-ên 23, kể lại một số chiến tích của những người được gọi là “dũng sĩ” của Đa-vít. Đức Chúa Trời tôn vinh và ban thưởng cho sự vâng lời của Đa-vít và ban cho ông thành công trong mọi việc ông làm (2 Sa-mu-ên 8:6)

Đa-vít bắt đầu lấy những người vợ khác. Trong thời gian ông chạy trốn khỏi Sau-lơ, ông đã cưới A-bi-ga-in, một goá phụ ở Cạt-mên (1 Sa-mu-ên 25). Đa-vít cũng đã cưới A-hi-nô-am, người Gít-rê-ên. Sau-lơ đã gả người vợ đầu tiên của Đa-vít, là Mi-canh cho một người đàn ông khác (1 Sa-mu-ên 25:43-44). Sau khi Sau-lơ chết, Đa-vít được xức dầu công khai làm vua nhà Giu-đa (2 Sa-mu-ên 2:4) và sau đó ông phải chiến đấu chống lại nhà Sau-lơ trước khi được xức dầu tấn phong làm vua trên toàn cõi Y-sơ-ra-ên ở tuổi ba mươi (2 Sa-mu-ên 5:3-4). Khi trở thành Vua, Đa-vít đã đưa Mi-canh trở lại làm vợ ông một lần nữa (2 Sa-mu-ên 3:14). Đa-vít cũng chinh phục thành Giê-ru-sa-lem, lấy nó từ tay người Giê-bu-sít, và ngày càng trở nên hùng mạnh hơn vì Đức Chúa Toàn Năng đã ở cùng ông (2 Sa-mu-ên 5:7).

Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời đã bị người Phi-li-tin chiếm đoạt (1 Sa-mu-ên 4). Trước khi được đưa trở về Y-sơ-ra-ên, Hòm Giao Ước được cất giữ tại Ki-ri-át Giê-a-rim (1 Sa-mu-ên 7:1). Đa-vít muốn mang Hòm Giao Ước trở lại Giê-ru-sa-lem. Nhưng Đa-vít đã bỏ qua một số chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về cách vận chuyển Hòm và ai sẽ là những người khiêng Hòm. Điều này dẫn đến cái chết của U-xa, người, giữa mọi lễ kỷ niệm, đã đưa tay ra để giữ vững chiếc hòm. Đức Chúa Trời đánh phạt U-xa, và ông chết ngay bên cạnh Hòm Giao Ước (2 Sa-mu-ên 6:1-7). Vì sợ Đức Giê-hô-va, Đa-vít đã không đưa Hòm Giao Ước về với mình trong thành Đa-vít, mà đưa vào nhà Ô-bết Ê-đôm (2 Sa-mu-ên 6:11)

Ba tháng sau, Đa-vít mở lại kế hoạch đưa Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem. Lần này, ông làm theo các sự chỉ dẫn. Ông cũng “nhảy múa hết sức trước mặt Đức Giê-hô-va” (2 Sa-mu-ên 6:14). Khi Mi-canh thấy Đa-vít thờ phượng theo cách như vậy, “thì trong lòng khinh rẻ nhà vua” (2 Sa-mu-ên 6:16). Cô ấy nói với Đa-vít: “hôm nay vua Y-sơ-ra-ên được vẻ vang làm sao, khi cởi trần trước mặt các tỳ nữ của đầy tớ mình, như một kẻ không ra gì vậy!”. Đa-vít nói với Mi-canh: “Chính tại trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng đã chọn ta thay cho cha nàng và cả nhà cha nàng, lập ta làm lãnh tụ Y-sơ-ra-ên là dân của Đức Giê-hô-va, mà ta hát múa trước mặt Đức Giê-hô-va. Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa, tự xem mình là hèn mạt, nhưng các nữ tỳ mà nàng nói đó lại sẽ tôn kính ta” (2 Sa-mu-ên 6:21-22). Đa-vít hiểu rằng sự thờ phượng thật sự chỉ dành cho một mình Đức Chúa Trời. Chúng ta thờ phượng không phải vì lợi ích của nhận thức về người khác mà là để khiêm nhường đáp lại Đức Chúa Trời (Giăng 4:24).

Khi Đa-vít đã ở trong cung điện của mình và làm hoà với kẻ thù mình, ông muốn xây dựng một đền thờ cho Đức Chúa Trời (2 Sa-mu-ên 7:1-2). Đầu tiên, nhà tiên tri Na-than thưa với Đa-vít “bất cứ điều gì Đa-vít muốn làm, xin cứ thực hiện”. Nhưng sau đó, Đức Giê-hô-va phán bảo với Na-than rằng Đa-vít sẽ không phải là người xây dựng đền thờ cho Ngài. Thay vào đó, Đức Chúa Trời hứa sẽ thiết lập một triều đại cho Đa-vít. Lời hứa này bao gồm một lời tiên tri rằng Sa-lô-môn sẽ xây dựng đền thờ. Nhưng lời hứa cũng nói về Đấng Mê-si sắp đến, Con vua Đa-vít sẽ là người trị vì đời đời (2 Sa-mu-ên 7:4–17). Đa-vít đáp lại một cách khiêm nhường và kinh sợ: Lạy Chúa Giê-hô-va, tôi là ai và họ hàng tôi là gì mà Ngài đem tôi đến địa vị nầy? (2 Sa-mu-ên 7:18; xem 2 Sa-mu-ên 7:18–29 để biết toàn bộ lời cầu nguyện của Đa-vít). Trước khi qua đời, Đa-vít đã chuẩn bị rất nhiều cho đền thờ. Lý do Đức Chúa Trời không cho phép Đa-vít xây dựng đền thờ là vì ông đã đổ quá nhiều máu, nhưng con trai của Đa-vít sẽ là người của hòa bình chứ không phải là người của chiến tranh. Sa-lô-môn sẽ xây dựng đền thờ (1 Sử ký 22).

Phần lớn sự đổ máu của Đa-vít là kết quả của chiến tranh. Nhưng, trong một sự việc tồi tệ, Đa-vít cũng giết chết một trong những người hùng của mình. Mặc dù Đa-vít là người vừa lòng Đức Chúa Trời, nhưng ông cũng là con người và tội lỗi. Mùa xuân là thời điểm các vua thường ra quân chinh chiến. Trong khi quân đội của ông chiến đấu, thì Đa-vít vẫn ở lại Giê-ru-sa-lem. Từ trên mái cung điện, ông nhìn thấy một người phụ nữ rất đẹp đang tắm. ông phát hiện ra rằng người nữ ấy là Bát-sê-ba, vợ của U-ri người Hê-tít, một trong những dũng sĩ của ông đang chinh chiến, và Đa-vít sai người bắt nàng vào cung. Đa-vít ngủ với Bát-sê-ba, và nàng có thai. Đa-vít gọi U-ri trở về từ trận chiến, hy vọng ông sẽ ngủ với vợ mình và tin rằng đứa trẻ là của U-ri, nhưng U-ri ngủ tại cổng cung điện cùng với tất cả thuộc hạ của Chúa mình, chứ không về nhà. Vì vậy Đa-vít sắp đặt để U-ri bị giết trong trận chiến. Sau đó, Đa-vít cưới Bát-sê-ba (2 Sa-mu-ên 11). Sự kiện tồi tệ này trong cuộc đời của Đa-vít cho chúng ta thấy rằng tất cả mọi người, ngay cả những người mà chúng ta rất kính trọng, đều phải vật lộn với tội lỗi. Đây cũng là một câu chuyện cảnh báo về sự cám dỗ và cách tội lỗi có thể nhân lên nhanh chóng.

Tiên tri Na-than chất vấn Đa-vít về tội lỗi của ông với Bát-sê-ba. Đa-vít đáp lại bằng sự ăn năn. Ông đã viết Thi thiên 51 vào thời điểm này. Ở đây chúng ta thấy sự khiêm nhường của Đa-vít và tấm lòng chân thật của ông dành cho Đức Giê-hô-va. Mặc dù Na-than nói với Đa-vít rằng con trai ông sẽ chết vì tội lỗi của ông, nhưng Đa-vít đã cầu xin Đức Giê-hô-va cho mạng sống của con trai ông. Mối quan hệ của Đa-vít với Đức Chúa Trời đến mức ông sẵn sàng kiên trì trong đức tin và hy vọng rằng Đức Chúa Trời có thể mềm lòng. Khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét của Ngài, Đa-vít hoàn toàn chấp nhận (2 Sa-mu-ên 12). Trong câu chuyện này, chúng ta cũng thấy ân điển và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít, người đã kế vị ông và qua đó Chúa Giê-su giáng thế, được sinh ra từ Đa-vít và Bát-sê-ba.

Đức Chúa Trời cũng đã phán với Đa-vít, qua Na-than, rằng gươm sẽ không lìa khỏi nhà ông. Thật vậy, gia đình Đa-vít gặp nhiều khó khăn kể từ lúc đó. Chúng ta thấy điều này nơi các con của Đa-vít khi Am-nôn hãm hiếp Ta-ma, dẫn đến việc Áp-sa-lôm giết Am-nôn, và Áp-sa-lôm âm mưu chống lại Đa-vít. Na-than cũng đã nói với Đa-vít rằng những người vợ của ông sẽ được trao cho một người thân thiết với ông; điều này sẽ không xảy ra một cách bí mật như tội lỗi của Đa-vít với Bát-sê-ba, mà là ở giữa thanh thiên bạch nhật. Lời tiên tri được ứng nghiệm khi Áp-sa-lôm ngủ với các phi tần của cha mình trên mái nhà để mọi người nhìn thấy (2 Sa-mu-ên 16).

Đa-vít là tác giả của nhiều bài Thi-thiên. Trong các Thi Thiên đó, chúng ta thấy cách ông đã tìm đến Đức Chúa Trời và tôn vinh Đức Chúa Trời. Ông thường được nghĩ đến như là một vị vua chăn chiên và một nhà thơ chiến binh. Kinh Thánh gọi ông là “làm kẻ hát êm dịu của Y-sơ-ra-ên” (2 Sa-mu-ên 23:1). Cuộc đời của Đa-vít dường như chứa đầy những cung bậc cảm xúc của con người—một cậu bé chăn chiên bình thường, hết sức tin tưởng vào sự thành tín của Đức Chúa Trời, người đã tôn trọng thẩm quyền, chạy trốn để bảo vệ mạng sống của mình và trở thành vị vua mà tất cả các vị vua tương lai của Y-sơ-ra-ên sẽ lấy đó làm gương. Ông đã gặt hái nhiều chiến công. Ông cũng phạm tội trọng, và hậu quả là gia đình ông phải chịu đau khổ. Nhưng qua tất cả những điều đó, Đa-vít đã hướng về Đức Chúa Trời và tin cậy nơi Ngài. Ngay cả trong các Thi thiên khi Đa-vít buồn bã hoặc nản lòng, chúng ta thấy ông ngước mắt nhìn lên Đấng Tạo Hóa của mình và ngợi khen Ngài. Sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời và việc liên tục theo đuổi mối liên hệ với Ngài là một phần khiến Đa-vít trở thành một người vừa lòng Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời hứa ban cho Đa-vít một hậu duệ để cai trị ngai vàng đời đời. Vị vua vĩnh cửu đó là Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a và Con vua Đa-vít.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được bài học gì từ cuộc đời của Đa-vít?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries