settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ cuộc đời của Áp-ra-ham?

Trả lời


Bên cạnh Môi-se, không có nhân vật Cựu Ước nào khác được nhắc tên trong Tân Ước nhiều hơn Áp-ra-ham. Gia-cơ nói đến Áp-ra-ham như “bạn của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 2:23), một danh xưng không được sử dụng cho bất kỳ ai khác trong Kinh Thánh. Những người tin Chúa qua mọi thế hệ đều được gọi là “ngươi cháu của Áp-ra-ham” (Ga-la-ti 3:7). Tầm quan trọng và ảnh hưởng của Áp-ra-ham trong câu chuyện cứu rỗi có thể được nhìn thấy rõ ràng qua Kinh Thánh.

Cuộc đời Áp-ra-ham chiếm phần lớn nội dung của Sáng Thế Ký từ lần đầu ông được nhắc đến trong Sáng Thế Ký 11:26 cho đến sự qua đời của ông trong Sáng Thế Ký 25:8. Mặc dù chúng ta biết khá nhiều về cuộc đời Áp-ra-ham, nhưng lại biết rất ít về sự sinh ra và giai đoạn đầu đời của ông. Khi chúng ta bắt gặp Áp-ra-ham lần đầu tiên, ông đã 75 tuổi rồi. Sáng Thế Ký 11:28 ghi lại cha của Áp-ra-ham là Tha-rê, sống tại U-rơ, một thành phố có sức ảnh hưởng tọa lạc tại phía nam Mê-sô-pô-ta-mi bên bờ sông Ơ-phơ-rát, khoảng giữa chặng đường từ đầu vịnh Ba Tư đến thành phố Bát-đa ngày nay. Chúng ta cũng được biết Tha-rê đã dẫn gia đình mình ra đi hướng về xứ Ca-na-an, nhưng sau đó đã định cư tại thành Cha-ran ở phía bắc Mê-sô-pô-ta-mi (trên ngươi đường giao thương từ thành cổ Ba-bi-lôn, khoảng giữa chặng đường từ Ni-ni-ve đến Đa-mách).

Câu chuyện của Áp-ra-ham bắt đầu trở nên thú vị từ Sáng Thế Ký 12. Trong 3 câu đầu tiên, chúng ta thấy Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời kêu gọi:

“Đức Giê-hô-va phán với Áp-ram: “Hãy ra khỏi quê hương, bà con thân tộc và nhà cha của ngươi để đi đến vùng đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, ta sẽ ban phước cho ngươi, làm rạng rỡ danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa ngươi; Mọi dân trên đất sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:1-3).

Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham lìa khỏi gia tộc mình tại Cha-ran và bảo ông đi đến một miền đất mà Ngài sẽ chỉ cho. Đức Chúa Trời cũng lập 3 lời hứa với Áp-ra-ham: 1) Lời hứa ban cho ông một xứ làm sản nghiệp; 2) Lời hứa khiến ông trở nên một dân tộc lớn; và 3) Lời hứa của sự ban phước. Những lời hứa này hình thành nền tảng cho điều về sau được gọi là Giao Ước Của Áp-ra-ham (thiết lập trong Sáng Thế Ký 15 và xác nhận lại trong Sáng Thế Ký 17). Điều làm cho Áp-ra-ham trở nên đặc biệt đó là ông vâng theo lời Đức Chúa Trời. Sáng Thế Ký 12:4 ghi lại rằng, sau khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham, ông đã ra đi “theo lời Đức Giê-hô-va đã phán bảo.” Trước giả thư Hê-bơ-rơ nhiều lần dùng Áp-ra-ham như một ví dụ cho đức tin, và đặc biệt nhắc đến hành động ấn tượng này: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp; ông đi mà không biết mình đi đâu” (Hê-bơ-rơ 11:8).

Bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng bỏ lại phía sau những điều thân thuộc và ra đi mà không biết rõ điểm đến của mình? Đối với những người sống trong thời kỳ của Áp-ra-ham, gia đình là tất cả. Vào thời đó, mỗi gia đình là một đơn vị gắn kết chặt chẽ; việc người thân trong cùng một gia đình sống cách xa nhau hàng trăm dặm là hết sức hiếm hoi. Thêm vào đó, chúng ta không được biết bất kỳ điều gì về đời sống tôn giáo của Áp-ra-ham và gia đình ông trước khi được Chúa kêu gọi. Người dân tại U-rơ và Cha-ran đã thờ phượng các vị thần cổ đại của Ba-bi-lôn, đặc biệt là thần mặt trăng Sin, vậy nên Đức Chúa Trời gọi Áp-ra-ham ra khỏi văn hóa ngoại giáo đó. Áp-ra-ham biết và nhận diện được tiếng gọi của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời, và đã bằng lòng vâng phục không chút đắn đo.

Một ví dụ khác cho đời sống đức tin của Áp-ra-ham được tìm thấy trong sự ra đời của con trai ông là Y-sác. Áp-ra-ham và Sa-ra đã bị son sẻ (vốn là một sự xấu hổ trong văn hóa thời đó), nhưng Đức Chúa Trời hứa rằng Áp-ra-ham sẽ có một con trai (Sáng Thế Ký 15:4). Đứa con này là người kế tự cả cơ nghiệp lớn lao mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho Áp-ra-ham, và quan trọng hơn nữa, con trai ấy cũng sẽ kế tự lời hứa và sự tiếp nối dòng dõi thánh của Sết. Áp-ra-ham tin lời hứa của Đức Chúa Trời, và nhờ đức tin đó mà ông được kể là công bình (Sáng Thế Ký 15:6). Đức Chúa Trời xác nhận lại lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 17, và đức tin của ông đã được tưởng thưởng trong Sáng Thế Ký 21 với sự ra đời của Y-sác.

Đức tin của Áp-ra-ham cũng bị thử thách thông qua con trai ông là Y-sác. Trong Sáng Thế Ký 22, Đức Chúa Trời phán bảo Áp-ra-ham phải dâng Y-sác làm của tế lễ trên đỉnh núi Mô-ri-a. Chúng ta không biết trong lòng Áp-ra-ham đã phản ứng như thế nào với mạng lệnh này. Tất cả những gì chúng ta thấy là Áp-ra-ham trung tín vâng theo lời Đức Chúa Trời, là cái thuẫn đỡ cho ông (Sáng Thế Ký 15:1) và là Đấng đã luôn đối đãi ông cách tốt lành và dư dật ân điển cho đến giờ phút ấy. Cũng như mạng lệnh lần trước là rời bỏ quê hương và gia tộc, lần này Áp-ra-ham cũng vâng lời (Sáng Thế Ký 22:3). Chúng ta biết câu chuyện kết thúc khi Đức Chúa Trời ngăn Áp-ra-ham lại trước khi dâng Y-sác, nhưng hãy tưởng tượng Áp-ra-ham đã cảm thấy như thế nào. Ông đã chờ đợi hàng thế kỷ để có được một đứa con trai của riêng mình, và Đức Chúa Trời – Đấng hứa ban đứa con này cho ông – lại sắp sửa cất nó đi khỏi ông. Điểm quan trọng ở đây đó là đức tin của Áp-ra-ham vào Đức Chúa Trời lớn hơn tình yêu ông dành cho con trai mình, và ông tin rằng kể cả khi mình hy sinh Y-sác, Đức Chúa Trời cũng có thể đem nó trở lại từ cõi chết (Hê-bơ-rơ 11:17-19).

Cũng phải nói rõ ràng là Áp-ra-ham đã từng có những phút giây thất bại và phạm tội (như tất cả chúng ta), và Kinh Thánh không ngần ngại bày tỏ những điều đó. Chúng ta biết có ít nhất hai lần Áp-ra-ham đã nói dối về mối quan hệ của mình với Sa-ra để tự bảo vệ bản thân tại những xứ sở tiềm ẩn sự thù nghịch (Sáng Thế Ký 12:10-20; 20:1-18). Trong cả hai trường hợp, Đức Chúa Trời đã bảo vệ và ban phước cho Áp-ra-ham bất kể sự thiếu đức tin của ông. Chúng ta cũng biết sự chán nản của việc bị son sẻ đã khiến Áp-ra-ham và Sa-ra mòn mỏi. Sa-ra gợi ý Áp-ra-ham tìm một đứa con thông qua người đầy tớ gái của bà là A-ga.; Áp-ra-ham đã đồng ý (Sáng Thế Ký 16:1-15). Sự ra đời của Ích-ma-ên không chỉ cho thấy sự ngu muội vô nghĩa và thiếu đức tin của Áp- ra-ham, nhưng cũng bày tỏ ân điển của Đức Chúa Trời (khi để cho đứa trẻ được sinh ra và thậm chí còn ban phước cho Ích-ma-ên). Thú vị thay, Áp-ra-ham và Sa-ra lúc đó còn được gọi là Áp-ram và Sa-rai. Nhưng khi Ích-ma-ên được 13 tuổi, Đức Chúa Trời ban cho Áp-ram một cái tên mới kèm với giao ước của sự cắt bì và làm mới lại lời hứa của Ngài là ban cho ông một con trai thông qua Sa-rai, người cũng được Đức Chúa Trời đặt cho một cái tên mới (Sáng Thế Ký 17). Áp-ram có nghĩa là “cha tôn quý”, đã trở thành Áp-ra-ham – “Cha của nhiều dân tộc.” Thực chất, Áp-ra-ham đã có rất nhiều hậu duệ về mặt huyết thống, và tất cả những ai đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su đều được kể là người kế tự thuộc linh của Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:29). “Ông tổ của đức tin” cũng đã có những giờ phút nghi ngờ và vô tín, tuy nhiên ông vẫn được tôn cao giữa vòng ngươi người như là một ví dụ điển hình về đời sống đức tin.

Một bài học rõ ràng có thể rút ra từ cuộc đời Áp-ra-ham đó là chúng ta phải sống một đời sống đức tin. Áp-ra-ham đã có thể đem con trai mình là Y-sác lên núi Mô-ri-a bởi vì ông biết rằng Đức Chúa Trời luôn thành tín với những lời hứa của Ngài. Đức tin của Áp-ra-ham không phải là mù quáng; đức tin của ông là sự an tâm và tin cậy chắc chắn vào Đấng đã chứng tỏ Ngài là thành tín và chân thật. Nếu chúng ta nhìn lại đời sống của chính mình, chúng ta sẽ nhìn thấy bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời trên mọi khía cạnh. Chúa không cần phải cùng với các thiên sứ đến thăm viếng chúng ta hay phán ra từ bụi gai cháy, hoặc rẽ nước biển để có thể hành động trong cuộc đời chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng cai quản và sắp đặt mọi sự kiện trong cuộc đời chúng ta. Có đôi lúc chúng ta không cảm thấy như vậy, nhưng cuộc đời Áp-ra-ham là minh chứng rằng sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta là thật. Kể cả những thất bại của Áp-ra-ham cũng bày tỏ rằng Đức Chúa Trời, mặc dù không bảo kê chúng ta khỏi hậu quả tội lỗi mà chúng ta gây ra, nhưng vẫn thi hành ý muốn của Ngài cách đầy ơn trong chúng ta và qua chúng ta; không có việc làm nào của chúng ta có thể ngăn trở chương trình của Ngài.

Cuộc đời Áp-ra-ham cũng cho chúng ta thấy ơn phước của việc đơn giản vâng lời. Khi được kêu gọi rời bỏ gia đình của mình, Áp-ra-ham đã rời đi. Khi được kêu gọi dâng Y-sác, Áp-ra-ham đã “dậy sớm” và làm theo như vậy. Từ những gì chúng ta có thể phân tích được trong câu chuyện của Kinh Thánh, không hề có sự do dự nào trong việc vâng lời của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham, cũng như hầu hết chúng ta, có thể cảm thấy đau nhói trong những quyết định ấy, tuy nhiên, khi đến thời điểm phải hành động, thì ông đã hành động. Khi chúng ta nhận ra được một tiếng gọi thật từ nơi Chúa hoặc đọc thấy chỉ dẫn trong Lời của Ngài, chúng ta phải hành động. Sự vâng lời không phải là một điều không bắt buộc khi Đức Chúa Trời đã yêu cầu một điều gì đó.

Chúng ta cũng nhìn thấy nơi Áp-ra-ham một hình mẫu cho việc có một mối liên hệ sống động với Đức Chúa Trời. Một mặt Áp-ra-ham rất nhanh chóng vâng lời, mặt khác ông không ngần ngại đặt câu hỏi với Chúa. Áp-ra-ham tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông và Sa-ra một đứa con trai, nhưng ông thắc mắc việc đó sẽ xảy ra như thế nào (Sáng Thế Ký 17:17-23). Trong Sáng Thế Ký 18 chúng ta đọc thấy câu chuyện Áp-ra-ham cầu thay cho thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham khẳng định rằng Đức Chúa Trời là thánh khiết và công bình nên không hiểu được nếu Ngài hủy diệt người công bình chung với kẻ có tội. Ông cầu xin Chúa tha cho những thành phố tội lỗi này bởi vì 50 người công bình và tiếp tục trả giá với Chúa cho đến khi còn 10 người. Đến cuối cùng, không có lấy nổi 10 người công bình trong thành Sô-đôm, nhưng Đức Chúa Trời đã tha mạng cho cháu của Áp-ra-ham là Lót và gia đình của ông (Sáng Thế Ký 19). Điều thú vị là Đức Chúa Trời bày tỏ kế hoạch của Ngài cho Áp-ra-ham trước khi hủy diệt hai thành phố này và Ngài không hề ngạc nhiên trước những câu hỏi của Áp-ra-ham. Ví dụ của Áp-ra-ham tại đây cho chúng ta thấy việc tương giao với Đức Chúa Trời về kế hoạch của Ngài, cầu thay cho người khác, tin cậy vào sự công bình của Chúa, và thuận phục ý muốn Ngài là như thế nào.

Những sa sút đức tin của Áp-ra-ham, cụ thể trong tình huống với A-ga và Ích-ma-ên, cho chúng ta thấy sự ngu xuẩn của việc cố gắng tự mình giải quyết mọi vấn đề. Đức Chúa Trời đã hứa ban một đứa con trai cho Áp-ra-ham và Sa-ra, nhưng vì cớ sự thiếu kiên nhẫn, dự định tìm kiếm một hậu duệ cho Áp-ra-ham của chính họ đã phản tác dụng. Trước hết, mâu thuẫn giữa Sa-ra và A-ga phát sinh, rồi về sau là mâu thuẫn giữa Ích-ma-ên và Y-sác. Ngươi cháu của Ích-ma-ên cuối cùng trở nên một kẻ thù cay đắng đối với dân sự của Chúa, như chúng ta học biết trong các câu chuyện sau của Cựu Ước, và cho đến tận ngày hôm nay sự xung đột giữa nước Y-sơ-ra-ên và những nước láng giềng thuộc khối Ả-rập vẫn còn đó. Chúng ta không thể làm thành ý muốn của Chúa bằng sức riêng của chúng ta được; những nỗ lực của chúng ta cuối cùng sẽ sản sinh ra thêm nhiều nan đề hơn là nó có thể giải quyết được. Bài học này có nhiều áp dụng sâu rộng trong đời sống chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời đã hứa làm một điều gì đó, chúng ta phải có niềm tin và kiên nhẫn chờ đợi Ngài hoàn tất nó theo đúng thời điểm của Ngài.

Về mặt thần học mà nói, cuộc đời Áp-ra-ham là một ví dụ sống động cho giáo lý duy đức tin, nghĩa là được xưng công bình bởi đức tin mà thôi. Có hai lần sứ đồ Phao-lô sử dụng Áp-ra-ham như một điển hình cho giáo lý hết sức quan trọng này. Trong thư Rô-ma, toàn bộ chương 4 được dành để minh họa cho sự xưng công bình bởi đức tin qua cuộc đời Áp-ra-ham. Một quan điểm tương tự cũng được đặt ra trong sách Ga-la-ti, khi Phao-lô chỉ ra từ cuộc đời Áp-ra-ham rằng dân ngoại là những người cùng với dân Do Thái đồng kế tự ơn phước của Áp-ra-ham qua đức tin (Ga-la-ti 3:6-9, 14, 16, 18, 29). Điều này có nguồn gốc từ tận Sáng Thế Ký 15:6, “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, nên Ngài kể ông là người công chính.” Đức tin của Áp-ra-ham nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời là đủ để Ngài tuyên bố ông là công bình trước mặt Ngài, từ đó minh chứng cho nguyên tắc trong Rô-ma 3:28. Áp-ra-ham đã không làm điều gì để đạt được sự xưng công bình. Niềm tin của ông nơi Đức Chúa Trời là đủ rồi.

Từ đây chúng ta nhìn thấy ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ rất sớm trong Kinh Thánh. Phúc âm không bắt đầu bằng sự sống và chết của Chúa Giê-su nhưng bắt nguồn từ tận Sáng Thế Ký. Trong Sáng Thế Ký 3:15, Đức Chúa Trời đã lập một lời hứa rằng “dòng dõi người nữ” sẽ giày đạp đầu con rắn. Các nhà thần học tin rằng đây là sứ điệp phúc âm được nhắc đến đầu tiên trong Kinh Thánh. Toàn bộ phần còn lại của biên niên sử Cựu Ước là sự bày tỏ của phúc âm về ân điển Đức Chúa Trời qua dòng dõi của lời hứa khởi nguồn từ Sết (Sáng Thế Ký 4:26). Sự kêu gọi của Áp-ra-ham chỉ là một mảnh ghép nữa trong cả câu chuyện cứu chuộc. Phao-lô cho chúng ta biết rằng phúc âm đã được rao giảng cho Áp-ra-ham trước hết, khi Đức Chúa Trời phán với ông rằng “Mọi dân tộc sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Ga-la-ti 3:8).

Một điều nữa chúng ta học được từ cuộc đời Áp-ra-ham đó là đức tin không có tính di truyền. Trong Ma-thi-ơ 3:9, Lu-ca 3:8, và Giăng 8:39, chúng ta biết được rằng là con cháu về mặt huyết thống với Áp-ra-ham thôi là chưa đủ để được cứu. Bài học áp dụng cho chúng ta đó là việc lớn lên trong một gia đình Cơ Đốc thôi là chưa đủ; chúng ta không bước vào mối liên hệ với Đức Chúa Trời hay được phép bước vào thiên đàng dựa trên đức tin của một người khác. Đức Chúa Trời không bị ràng buộc phải cứu rỗi chúng ta chỉ vì chúng ta có một gia phả Cơ Đốc hoàn hảo. Phao-lô dùng Áp-ra-ham để minh họa điều này trong Rô-ma 9, khi ông nói rằng không phải tất cả những hậu duệ của Áp-ra-ham đều được lựa chọn cho sự cứu rỗi (Rô-ma 9:7). Đức Chúa Trời toàn quyền lựa chọn những ai sẽ nhận được sự cứu rỗi, nhưng sự cứu rỗi đó đến từ đức tin giống như chính Áp-ra-ham đã thực hành trong đời sống ông.

Finally, we see that James uses the life of Abraham as an illustration that faith without works is dead (James 2:21). The example he uses is the story of Abraham and Isaac on Mount Moriah. Mere assent to the truths of the gospel is not enough to save. Faith must result in good works of obedience that show a living faith. The faith that was enough to justify Abraham and count him as righteous in God’s eyes (Genesis 15) was the very same faith that moved him into action as he obeyed God’s command to sacrifice his son Isaac. Abraham was justified by his faith, and his faith was proved by his works.

Cuối cùng, chúng ta thấy Gia-cơ dùng cuộc đời của Áp-ra-ham như một minh họa cho đức tin mà không có việc làm thì sẽ chết (Gia-cơ 2:21). Ví dụ mà ông đã sử dụng là câu chuyện Áp-ra-ham dâng Y-sác trên núi Mô-ri-a. Chỉ đồng ý với các lẽ thật của phúc âm thôi là chưa đủ để được cứu. Đức tin phải cho thấy kết quả trong những việc lành của sự vâng lời, cho thấy rằng đó là một đức tin sống. Đức tin đủ để chứng nhận cho Áp-ra-ham và để ông được xưng công bình trước Chúa (Sáng Thế Ký 15) cũng chính là đức tin thôi thúc ông thực hiện những hành động vâng theo mạng lệnh của Chúa để hy sinh con mình là Y-sác. Áp-ra-ham được xưng công bình bởi đức tin, và đức tin của ông đã được minh chứng bằng những việc làm của ông.

Kết lại những phân tích trên, chúng ta thấy Áp-ra-ham là một tấm gương mẫu mực, không phải vì lòng sùng đạo hay cuộc đời hoàn hảo (vì ông cũng có những khuyết điểm như chúng ta đã thấy), nhưng bởi vì cuộc đời ông minh họa cho rất nhiều lẽ thật của đời sống Cơ Đốc. Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham ra từ giữa hàng triệu người trên trái đất này để làm một đối tượng cho Ngài ban phước. Đức Chúa Trời sử dụng Áp-ra-ham để đóng một vai trò quan trọng cho diễn tiến của câu chuyện cứu rỗi, đỉnh điểm là sự giáng sinh của Chúa Giê-su. Áp-ra-ham là một minh chứng sống cho đức tin và hy vọng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:8-10). Chúng ta nên sống cuộc đời của mình sao cho, khi đã chạm đến những ngày cuối cùng, đức tin của chúng ta, cũng như Áp-ra-ham, sẽ còn lưu lại những một di sản lâu bền cho nhiều người khác.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ cuộc đời của Áp-ra-ham?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries