settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về sự cay đắng?

Trả lời


Cay đắng là tính hay nhạo báng phẫn uất dẫn đến sự đối kháng hoặc thái độ thù địch mãnh liệt đối với người khác. Kinh Thánh dạy chúng ta “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác.” Sau đó, Kinh Thánh tiếp tục cho chúng ta biết làm thế nào để đối phó với sự cay đắng và hậu quả của nó bằng cách “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:31-32).

Là một tính từ, từ cay đắng có nghĩa là “sắc như mũi tên hoặc có vị cay nồng, khó chịu; thâm độc.” Ý tưởng là từ nước đắng được trao cho những người phụ nữ bị nghi ngờ phạm tội ngoại tình trong Dân số ký 5:18: "nước đắng giáng rủa sả" Theo nghĩa bóng, cay đắng ám chỉ một trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc mòn dần hoặc “ăn mòn”. Sự cay đắng có thể ảnh hưởng đến một người đang trải qua nỗi đau buồn sâu sắc hoặc bất cứ điều gì tác động lên tâm trí giống như cách chất độc (nước đắng) tác động lên cơ thể. Cay đắng là trạng thái tâm trí cố ý ôm giữ những cảm xúc giận dữ và sẵn sàng nổi giận, có thể bùng phát cơn giận dữ bất cứ lúc nào.

Mối nguy hiểm lớn nhất trong việc khuất phục trước sự cay đắng và để nó thống trị lòng chúng ta đó là tinh thần không chịu hòa giải. Kết quả là, sự cay đắng dẫn đến sự phẫn nộ, đó là sự bùng nổ ra bên ngoài của những cảm xúc từ bên trong. Những cơn thịnh nộ và tức giận không thể kiềm chế như vậy thường dẫn đến “ẩu đả”, đó là hành vi tự cao tự đại của một người đang tức giận, người cần phải làm cho mọi người nghe thấy những lời bất bình của mình. Một điều ác khác do sự cay đắng mang lại là vu khống. Như được dùng trong Ê-phê-sô 4, từ này không nói đến sự báng bổ Đức Chúa Trời hay chỉ vu khống loài người, mà nói đến bất kỳ lời nói nào phát xuất từ sự tức giận và được thiết kế để làm tổn thương hoặc gây thương tích cho người khác.

Tất cả những điều này sau đó dẫn đến một tâm thần hiểm độc, biểu thị cho những ý định xấu xa hoặc cảm giác căm thù dữ dội. Loại thái độ này thuộc xác thịt và sự gian ác trong những ảnh hưởng của nó. Ác tâm là một nỗ lực có chủ ý để làm hại người khác. Vì vậy, “mọi điều hung ác” phải bị loại bỏ (Ê-phê-sô 4:31).

Người cay đắng thường bực bội, hoài nghi, khắc nghiệt, lạnh lùng, tàn nhẫn và khó chịu khi ở gần. Bất kỳ biểu hiện nào của những đặc điểm này đều là phạm tội chống lại Đức Chúa Trời; chúng thuộc về xác thịt, không thuộc về Thánh Linh của Ngài (Ga-la-ti 5:19-21). Hê-bơ-rơ 12:15 cảnh báo chúng ta “Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” Chúng ta phải luôn đề phòng không cho phép “rễ đắng” châm ra trong lòng mình; những gốc rễ như vậy sẽ khiến chúng ta thiếu ân điển của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn rằng dân Ngài sống trong tình yêu thương, niềm vui, bình an và thánh khiết—chứ không phải trong sự cay đắng. Vì thế, người tín hữu phải luôn tỉnh thức, đề phòng những hiểm họa cay đắng.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về sự cay đắng?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries