settings icon
share icon
Câu hỏi

Hare Krishnas là ai và họ tin gì?

Trả lời


Nguồn gốc của Hare Krishna, còn được gọi là Gaudiya Vaishnavism hay Chaitanya Vaishnavism, được quảng bá thông qua Hiệp hội Quốc tế về Ý thức Krishna (hay ISKCON). Hare Krishna là một giáo phái huyền bí của Ấn Độ giáo. Nó thường được xếp vào dạng độc thần của Ấn Độ giáo, vì Hare Krishnas tin rằng tất cả các vị thần chỉ đơn giản là những biểu hiện khác nhau của một vị thần duy nhất, Vishnu hoặc Krishna. Tuy nhiên, “thuyết độc thần” của Hare Krishna có một chút lộn xộn, vì Sri Krishna có một “phối ngẫu vĩnh cửu” tên là Srimati Radharani; cùng với nhau, Krishna và Radharani tạo thành “Cặp đôi thần thánh”.

Phong trào Hare Krishna bắt đầu từ thế kỷ 15 (1486), khi người sáng lập là Chaitanya Mahaprabhu bắt đầu thuyết giảng rằng Krishna là Chúa tối cao của mọi vị thần khác. Mahaprabhu ủng hộ một phương pháp sùng tín của đức tin, trong đó những người theo thuyết Gaudiya Vaishnavism bắt đầu có mối quan hệ với Krishna và bày tỏ sự tôn thờ của họ đối với Krishna thông qua khiêu vũ và tụng kinh. Những buổi thờ phượng công khai của Mahaprabhu đã thu hút được một lượng lớn người theo dõi, một phần là do chúng phản ánh rõ rệt những biểu hiện thờ ơ và phép tu khổ hạnh thường thấy trong Ấn Độ giáo. Tuy khác biệt về việc tôn thờ duy chỉ Krishna, giáo phái này vẫn khá giống đạo Hindu, vì ngay cả Krishna cũng chỉ là một biểu hiện (hay "hiện thân") của Vishnu — một trong những vị thần cổ điển của Ấn Độ giáo. Hơn nữa, Hare Krishnas còn lưu giữ Bhagavad Gita - kinh sách của Hindu giáo, cũng như các học thuyết về luân hồi và nghiệp báo.

Mục đích cuối cùng mà đạo Hare Krishnas hướng tới là một mối quan hệ siêu việt, thân thiết với Thần Krishna. Hare đề cập đến "sức mạnh khoái cảm của Krishna." Do sự tôn sùng của họ được thể hiện trong việc tụng kinh và nhảy múa, Hare Krishnas có thể được so sánh với sự thờ phượng của người Hồi giáo Sufi (như "điệu múa xoay tròn") và một số biểu hiện thần bí của Cơ đốc giáo nhấn mạnh những trải nghiệm xuất thần và siêu việt thần bí.

Đạo Hare Krishna khá khắt khe với những tín đồ của nó. Trở thành một thành viên của tôn giáo đồng nghĩa với việc phải lựa chọn một người thầy (guru) và trở thành đệ tử của người ấy. Người thầy này rất quan trọng để họ được giác ngộ; có người nói rằng nếu không có guru thì không thể phát triển tâm thức Krishna. Những người đi theo guru của mình thì phải xem họ như những bậc thầy tâm linh và thậm chí tôn thờ họ như những vị thần. Và người đó sẽ dành cả đời để sùng mộ và lấy Krishna làm trung tâm. ISKCON lôi kéo các thành viên của mình vào các môi trường tập thể, nơi mọi thứ đều tập chú vào Krishna một cách có chủ đích. Phần lớn văn hóa Ấn Độ / Ấn Độ giáo được du nhập vào các công xã này. Cần lưu ý rằng, các cựu thành viên của ISKCON đã từng chỉ trích gay gắt việc thành lập các công xã này, và ISKCON đã phải đối mặt với các cáo buộc hình sự về các hành vi bất hợp pháp và vô đạo đức như lạm dụng trẻ em phổ biến, diễn ra trong phong trào.

Niềm tin của người Hare Krishnas chủ yếu bắt nguồn từ đạo Hindu và đi ngược lại với niềm tin Cơ Đốc. Thứ nhất, quan điểm về Thượng đế về cơ bản là phiếm thần, có nghĩa là họ tin rằng Thượng đế là tất cả và trong tất cả. Đối với Hare Krishnas, Đức Chúa Trời là tất cả và mọi thứ là Đức Chúa Trời. Đối với Cơ đốc nhân, Đức Chúa Trời là Đấng siêu việt — Ngài vượt trên tất cả những gì Ngài đã tạo ra. Một trong những học thuyết của tư tưởng ISKCON là chúng ta có thể đạt được sự đồng nhất trọn vẹn trong quan hệ với Đức Chúa Trời. Mục tiêu của Hare Krishna là đạt đến “ý thức Krishna”, được xem là một loại giác ngộ. Đó là đặc điểm nhận biết của đạo Krishna. Trong phạm vi những thành viên của ISKCON là người thực sự theo đạo Hindu, họ sẽ trình bày quan điểm phiếm thần về Đức Chúa Trời và dạy rằng con người cuối cùng sẽ giống hệt Chúa. Đây là một lời nói dối từng có trước đây tại Vườn Địa Đàng: “Các người sẽ giống Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 3:5).

Giống với tất cả các tôn giáo sai lạc khác, Hare Krishna đòi hỏi tín đồ phải làm những việc thiện để được cứu. Tín ngưỡng của họ không chỉ được xây dựng dựa trên sự thờ phượng và mối quan hệ với thần, mà còn bao gồm các việc làm khác, từ bài tập bhakti-yoga đến ngồi thiền trước đền thờ cho đến cả việc gây quỹ. Tụng kinh là một phần quan trọng trong nếp sống của người theo đạo Hare Krishna. Người thành lập Sri Chaitanya đã kêu gọi những người theo ông phải tụng 100.000 tên thánh mỗi ngày. Việc tụng kinh được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách sử dụng một mala, một chuỗi hạt 108 hạt. Tín đồ Hare Krishna bị cấm ăn thịt hoặc ăn uống trong nhà hàng – do người ta tin rằng thức ăn vẫn giữ được ý thức của người nấu - ăn thức ăn do đầu bếp tức giận chế biến sẽ khiến người ăn tức giận. Trong Hare Krishna, luôn có sự thúc đẩy để tụng kinh nhiều hơn, nhảy múa nhiều hơn và làm việc chăm chỉ hơn để tránh một số nợ nghiệp còn giữ lại và khiến một người không thể nhập tâm thức Krishna.

Từ bỏ bản thân và hy sinh cũng là yếu tố rất quan trọng để được cứu rỗi theo đạo thuyết của Hare Krishna. Theo ISKCON, sự cứu rỗi được kết hợp chặt chẽ với khái niệm nghiệp báo của người Hindu, hay công lý trả thù. Lời dạy này đòi hỏi phải có niềm tin vào sự luân hồi và / hoặc sự biến đổi của linh hồn. Công việc của một người, tốt và xấu, đều được đo lường và đánh giá sau khi chết. Nếu hành động của một người là tốt, anh ta sẽ tiếp tục tái sinh vào các dạng sống cao hơn; nếu những việc làm của anh ta là xấu, anh ta sẽ trở thành một dạng sống thấp hơn. Chỉ khi hành động tốt của một người cân bằng với điều xấu thì người đó mới có thể chấm dứt các chu kỳ tái sinh và nhận ra sự hợp nhất của mình với Krishna.

Thần Krishna khác với Đức Chúa Trời từ bi và nhân hậu trong Kinh Thánh biết bao, là Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Kinh Thánh nói rõ rằng sự cứu rỗi là nhờ ân điển Chúa ban, bởi đức tin của con người nơi sự chết của Chúa Giê-xu (Ê-phê-sô 2: 8–9). “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 5:21). Không có con số nào cụ thể để đo lường bao nhiêu việc lành để ai đó được cứu rỗi. Tín đồ Hare Krishnas, cũng như toàn thể nhân loại, chỉ có một hy vọng duy nhất cho sự sống vĩnh cửu đó là nơi Chúa Giê-xu, Đấng đã chịu chết trên thập giá, sống lại và trị vì muôn đời. Tất cả các con đường khác đều dẫn đến sự hủy diệt. Chính Chúa Giê-xu đã nói trong Giăng 14:6 rằng, “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu. “ (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Hare Krishnas là ai và họ tin gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries