settings icon
share icon
Câu hỏi

Bảy Thời Kỳ là gì?

Trả lời


Thuyết Thời Kỳ (Dispensationalism) là một phương pháp trong việc giải thích lịch sử phân chia công việc và những mục đích của Đức Chúa Trời đối với nhân loại trong những thời kỳ khác khau. Thông thường, có bảy thời kỳ đã được xác định, mặc dù một số nhà thần học tin rằng có chín thời kỳ. Môt số người khác chỉ tính được ba hoặc nhiều hơn như ba-mươi-bảy thời kỳ. Trong bài này, chúng ta sẽ giới hạn trong bảy thời kỳ cơ bản được thấy trong Kinh Thánh.

Thời Kỳ thứ nhất được gọi là Thời Kỳ Vô Tội ( Sáng 1:28-30 và 2:15-17). Đây là thời kỳ bao gồm giai đoạn A-đam và E-va ở trong Vườn Ê-đen. Trong thời kỳ này các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là (1) sanh nhiều con cái làm đầy dẫy đất, (2) làm cho đất phục tùng, (3) cai trị trên tất cả các loài súc vật, (4) chăm sóc vườn, và (5) không được ăn trái của cây biết điều thiện điều ác. Đức Chúa Trời cảnh báo sự trừng phạt về sự chết thân thể, và sự chết thuộc linh nếu họ không vâng lời. Thời kỳ này là cuộc sống ngắn ngủi kết thúc bởi sự không vâng lời của A-đam và Ê-va, bởi việc ăn trái cấm nên họ đã bị trục xuất ra khỏi vườn.

Thời Kỳ thứ hai được gọi là Thời Kỳ Lương Tâm, kéo dài khoảng 1.656 năm từ lúc A-đam và E-va bị trục xuất ra khỏi vườn cho đến khi nước lụt (Sáng 3:8-8:22). Thời kỳ này chứng tỏ những gì con người sẽ làm bị bỏ mặc theo ý riêng và lương tâm của họ, vốn đã bị ô nhiễm bởi sự di truyền bản tính tội lỗi. Năm phương diện chính của thời kỳ này là (1) sự rủa sả trên con rắn, (2) sự thay đổi trạng thái của phụ nữ và việc sinh đẻ, (3) thiên nhiên bị rủa sả, (4) áp đặt của công việc trên con người để làm ra thức ăn, và (5) lời hứa của Đấng Christ là dòng dõi, Đấng sẽ đạp đầu con rắn (Sa-tan).

Thời kỳ thứ ba là Kỳ Chính phủ Con người (Thời Kỳ Con Người Cai Trị), bắt đầu với Sáng 8. Đức Chúa Trời đã hủy diệt sự sống trên đất bằng một trận lụt, chỉ một gia đình được cứu để bắt đầu lại loài người. Đức Chúa Trời đã lập những lời hứa, và những mệnh lệnh dưới đây với Nô-ê và gia đình của ông:

1. Đức Chúa Trời sẽ không rủa sả đất nữa (Sáng thế 8:21).

2. Nô-ê và gia đình sẽ sanh sản làm đầy dẫy đất (9:1)

3. Họ sẽ cai trị trên mọi loài súc vật (9:2)

4. Họ được phép ăn thịt (9:3).

5. Hình phạt tử hình được ban hành (9:5-6).

6. Sẽ không bao giờ có trận lụt toàn cầu nào khác (9:11,15).

7. Cầu vồng sẽ là dấu lạ về lời hứa của Đức Chúa Trời (9:12-17).

Con cháu của Nô-ê đã không phân tán ra và làm đầy dẫy đất như Đức Chúa Trời đã dạy, họ đã thất bại không làm tròn trách nhiệm của mình trong thời kỳ này. Khoảng 325 năm sau trận lụt, cư dân trên đất bắt đầu xây một tòa tháp, một đài kỷ niệm vĩ đại cho sự đoàn kết và lòng kiêu ngạo của họ (Sáng 11:7-9). Đức Chúa Trời đã làm cho việc xây dựng phải dừng lại, việc tạo ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, buộc họ phải thực hiện mạng lịnh của Ngài là phải làm đầy dẫy đất. Kết quả là sự gia tăng nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa khác nhau. Từ thời điểm này trở đi, chính phủ con người là một thực thể.

Thời kỳ thứ tư được gọi là Thời Kỳ Lời Hứa, được bắt đầu bằng sự kêu gọi của Áp-ra-ham, tiếp tục qua cuộc đời của các tổ phụ, và kết thúc với Xuất Ai-cập của người Giu-đa ra khỏi xứ Ai-cập, một thời kỳ khoảng 430 năm. Suốt thời kỳ này, Đức Chúa Trời phát triển một dân lớn mà Ngài đã chọn là dân của Ngài (Sáng 12:1-Xuất 19:25).

Lời hứa cơ bản suốt Thời Kỳ Lời Hứa là Giao Ước Áp-ra-ham (Sáng thế 12:1-3). Đây là những điểm mấu chốt của giao ước vô điều kiện đó:

1. Từ Áp-ra-ham sẽ ra một dân lớn được Đức Chúa Trời ban phước thịnh vượng về mặt tự nhiên và thuộc linh (12:2).

2. Đức Chúa Trời sẽ làm nổi danh Áp-ra-ham (12:2).

3. Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho dòng dõi của Áp-ra-ham, và rủa sả kẻ nào rủa sả họ (12:3; 18:18; 22:18).

4. Trong Áp-ra-ham, tất cả mọi gia tộc trên đất sẽ được ban phước (12:3). Được ứng nghiệm trong Đức Chúa Giê-xu Christ, và công nghiệp cứu rỗi của Ngài (Ma-thi-ơ 1:1; Công vụ 3:25; Rô-ma 4:11, 16-17; Ga-la-ti 3:8, 16, 29).

5. Cắt bì là dấu hiệu của giao ước (Sáng thế 17:9-10; so sánh Rô-ma 2:28-29; Cô-lô-se 2:11).

6. Giao ước này, cũng được tái lập với Y-sác (Sáng thế 26:4) và Gia-cốp (28:13-14), được hạn chế với người Hê-bơ-rơ và 12 chi phái Y-sơ-ra-ên.

Thời kỳ thứ năm được gọi là Thời Kỳ Luật Pháp. Kéo dài gần 1.500 năm, từ Xuất Ai-cập cho đến khi bị đình chỉ sau sự chết của Đức Chúa Giê-xu Christ. Thời kỳ này sẽ tiếp tục suốt thời đại Thiên-Hi-Niên, với một vài sửa đổi. Suốt Thời Kỳ Luật Pháp, Đức Chúa Trời đã đối xử cách đặc biệt với dân tộc Giu-đa qua Giao ước với Môi-se, hay luật pháp được thấy trong Xuất 19-23. Thời kỳ này bao gồm việc các thầy tế lễ hướng dẫn thờ phượng trong đền thờ, cùng với những chỉ dẫn tiếp theo qua những tiên tri là phát ngôn nhân của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, vì sự không vâng lời giao ước của con người, các chi phái Y-sơ-ra-ên đã bị mất Đất Hứa và họ bị bắt làm nô lệ.

Thời kỳ thứ sáu, là thời kỳ mà chúng ta đang sống bây giờ, là Thời kỳ Ân Điển. Bắt đầu với Giao ước Mới trong huyết của Đấng Christ (Lu 22:20). “Thời kỳ Ân điển” này hay “thời kỳ Hội Thánh” xảy ra giữa tuần thứ 69 và tuần thứ 70 trong Đa-ni-ên 9:24. Bắt đầu với sự chết của Đấng Christ, và kết thúc bằng sự Cất Lên của Hội thánh (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17; Khải huyền 3:10). Thời kỳ này được mở rộng toàn cầu bao gồm cả người Giu-đa và Dân Ngoại. Trách nhiệm của con người trong suốt Thời Kỳ Ân Điển là tin Đức Chúa Giê-xu, Con của Đức Chúa Trời (Giăng 3:18; Công vu 17:30-31). Trong thời kỳ này, Đức Thánh Linh ngự trong kẻ tin là Đấng an ủi (Giăng 14:16-26). Thời kỳ này đã kéo dài gần 2,000 năm, và không ai biết sẽ kết thúc khi nào. Chúng ta biết rằng, thời kỳ này sẽ kết thúc bằng sự cất lên của tất cả những tín đồ được tái sanh từ dưới đất lên thiên đàng với Đấng Christ (Giăng 14:1-3). Tiếp theo sự cất lên sẽ là sự phán xét của Đức Chúa Trời kéo dài bảy năm.

Thời kỳ thứ bảy, được gọi là Vương quốc Thiên-hi-niên của Đấng Christ sẽ kéo dài 1.000 năm (Khải huyền 20:1-7), và chính Đấng Christ sẽ trị vì trên đất. Vương quốc này sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri với người Giu-đa rằng, Đấng Christ sẽ trở lại và Ngài sẽ là Vua của họ. Chỉ các dân được phép vào Vương quốc là những tín hữu đã được tái sanh (Ma-thi-ơ 25:34) từ thời kỳ ân điển, và những người công bình sống sót qua bảy năm đại nạn. Không một người chưa được cứu nào được phép vào trong Vương quốc này (Ê-sai 11:4c; Khải huyền 19:17-21). Satan bị xiềng trong suốt 1.000 năm (20:2-3). Thời kỳ này sẽ kết thúc bằng sự phán xét cuối cùng (Khải 20:11-15). Thế giới cũ sẽ bị hủy diệt bằng lửa, và Trời Mới và Đất Mới của Khải Huyền 21 và 22 sẽ bắt đầu.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Bảy Thời Kỳ là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries